20.11 tản mạn về “người thầy” cho những người trưởng thành!


Ai rồi cũng có tuổi học trò, cũng có những ngày tháng mài đũng quần dưới ghế nhà trường và vì thế họ sẽ có những thầy, những cô giáo bên bục giảng (xin gọi chung là những người thầy). Hôm nay xin được viết đôi dòng tản mạn về người thầy cho những người trưởng thành trong ngày 20.11…

Ở Việt Nam mình, vào ngày 28 tháng 9 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20 tháng 11 hằng năm là ngày lễ mang tên “Ngày Nhà giáo Việt Nam” (Hay còn gọi là ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam). Ngày nhà giáo Việt Nam được coi là ngày để các thế hệ học trò nói riêng, cả xã hội nói chung sẽ tri ân công lao dạy dỗ của những thầy cô giáo đã chăm chút họ trong sự nghiệp học hành; và cũng là dịp để tôn vinh những cống hiến của nghành giáo dục.

Nhưng ở bài viết này, mình xin không chỉ nói đến người thầy theo nghĩa ấy, hay đúng hơn là người thầy mà mình đang muốn nhắc tới – họ không phải là những người thầy trên bục giảng, trong giảng đường đại học, dưới mái trường làng hay ở những lớp dạy nghề…

Người thầy mà mình đang muốn nhắc đến ở đây, có thể là bất kỳ ai đã, đang và sẽ hiện diện trong cuộc đời của bạn. Họ có thể là một đứa em, một ông anh, một thằng bạn; thậm chí họ có thể là đối tác, là bạn đồng nghiệp đơn thuần, hay một người qua đường nào đó…

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Nhưng, vì điều gì đó, trong hoàn cảnh nào đó, kể cả bởi một mục đích nào đó, họ đến bên bạn và dành cho bạn những bài học cuộc đời. Những bài học của họ, có thể là rất nhiều, nhưng cũng có thể chỉ như một lời khuyên tưởng chừng như vô tình?

Hoặc, họ có thể đang là sếp bạn – một gã sếp cực kỳ khó tính và gay gắt.
Hoặc, họ có thể là một người được giao nhiệm vụ kèm cặp bạn trong công việc
Hoặc, họ đơn thuần chỉ là một ai đó mà đang muốn nâng đỡ, dìu dắt hoặc tính toán chuyện tương lai hoặc công việc cho bạn ở thời điểm hiện tại.

Nhưng có một thực tế là nhiều khi chúng ta quên mất việc cần tri ân họ. Tôi xin dùng cụm từ “chúng ta” trong bài viết này nghĩa là tôi đang viết những dòng tản mạn cho chính mình và những người sẽ đọc để cùng suy ngẫm – bài viết này không nhằm chỉ định bất kỳ riêng một ai cả.

Nhiều khi, chúng ta có những người “thầy” đặc biệt, nhưng họ vô tư dành cho chúng ta tình cảm, sự giúp đỡ, sự kỳ vọng và dẫn dắt chúng ta. Nhưng vì họ vô tư quá, chúng ta cũng…vô tư theo. Và trong nhiều trường hợp, chúng ta có một suy nghĩ vô thức cho rằng cái sự tốt ấy của người thầy ấy là một …lẽ tất nhiên. (?)

Hoặc, nhiều khi chúng ta gặp được những “người thầy” mà họ chọn cách giúp đỡ ta theo cách khắc nghiệt nhất, nghiêm túc nhất. Và thế là chúng ta vô tình cho rằng đó là “sự tệ” và không nhận ra rằng đó mới là người đang thật tâm với mình nhất chứ không phải những thứ hoa hòe hoa sói phù du ngoài kia.

Rồi thì có khi chúng ta sẽ sớm có cái tư duy “qua cầu rút ván” hoặc là “thầy không giỏi bằng tôi”, hoặc là “đã đến lúc thầy “không còn cùng đẳng cấp” với tôi… Tất nhiên, phàm những người đã “là thầy” bạn thì họ chẳng mưu cầu gì việc trả ơn từ chúng ta, nhưng chúng ta cần hiểu đó là thứ bất nghĩa. Mà khi bất nghĩa, bất trung thì trời không dung đất cũng không dung, không sớm thì muộn chúng ta cũng bị “đời diệt”.

Lại ngẫm một chút về chính mình:

Thời điểm hiện tại, tôi có một “người anh” (không phải là thầy). Người anh ấy có nhiều điều đã từng và vẫn đang đối đãi với tôi rất tốt. Trong công việc, dù không phải là tất cả những anh ấy cũng giúp đỡ tôi nhiều. Tất nhiên, con người không ai hoàn hảo, tôi cũng thế và anh ấy cũng vậy. Cũng đã có những câu chuyện hoặc điều gì đó, tôi biết, và tôi cũng buồn về cách mà anh đã làm (ít nhất là với tôi). Nhưng buồn thôi, không có nghĩa là sẽ thành cái cớ để hết tung đi mọi thứ từ anh.

Tôi từng nói với anh và cũng luôn dặn bản thân mình rằng, đã mở miệng ra gọi là anh thì tôi sẽ luôn trân trọng là anh. Và dù không từng gọi là thầy, nhưng vì anh dạy tôi khá nhiều điều tốt cho tôi nên ở một khoảng nào đó, tôi trân trọng và coi anh là thầy. Trong giới hạn của công việc, anh giỏi hơn tôi rất nhiều, nhưng đôi khi cũng có những việc tôi biết là mình làm tốt hơn anh. Thế nhưng, chưa bao giờ tôi cho phép bản thân ảo tưởng về “cái hơn” ấy; và cũng không bao giờ có tư duy là “sẽ hơn anh”.

Nhưng khi có mặt anh và tôi, thì cho dù là ở cơ quan, ở quán nhậu, lúc gặp gỡ bạn bè hoặc lúc cùng đi làm việc, tôi luôn tự chủ động “đứng dưới anh một bậc” (theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).Và tôi nghĩ tất cả chúng ta cũng nên thế, với những “người thầy” đặc biệt của mình.

Một ngày nào đó, chúng ta có thể sẽ tài giỏi hơn chính những người đã từng dạy dỗ, dìu dắt ta đi chăng nữa, thì cũng nên chọn cho mình một ví trí thứ 2 thay vì tìm mọi cách trở thành người thứ nhất. Vì nếu làm thế, dù chúng ta không sai nhưng đó là điều không nên làm.

Hoặc, một ngày nào đó, kể cả khi người đã dạy dỗ, dìu dắt ta có làm điều gì không phải với chúng ta, bạn có thể chọn cách rời đi, chứ tuyệt đối không được dùng sự “không phải” để đối đãi lại họ. Quân tử ở đời, tuyệt nhiên không được dùng oán trả ân!

Đôi khi, cả chúng ta và “người thầy” ấy xuất hiện chung trong một hoàn cảnh mà ở đó, chúng ta được hiểu là “số1” trong mắt của những người tham dự. chúng ta cũng nên chọn cách “đứng sau” người ấy. Làm như thế, đời vừa trân trọng bạn vừa trân trọng người mà bạn trân trọng. Hơn thua nhau không nên để xuất hiện ở những hoàn cảnh như thế, nên giữ chữ trung làm trọng, một tiếng gọi anh hoặc gọi thầy, thì trong mọi hoàn cảnh hãy để họ được làm anh, làm thầy. Đừng vô tình mà làm hòa toan mọi thứ vì bất kỳ lý do gì…

Nhưng, thực tế thì không phải vậy. Chúng ta rất hay thường từ ảo tưởng về chính mình và những lúc ấy chúng ta hay tự cho phép mình được “ăn trên ngồi chốc”, được làm lu mờ tất cả cho dù trong tất cả có những người đã hoặc vẫn đang dìu dắt, giúp đỡ chúng ta. Điều đó là bất trung, mà đã là bất trung thì sớm hay muộn thôi, chúng ta sẽ bị cuộc đời diệt. Tôi thật!

Bạn và tôi, chúng ta ai cũng sẽ có những người thầy không bục giảng cho chính cuộc đời của mình. Vậy nên, hãy nhắc nhủ nhau rằng, nếu đã biết tri ân những người thầy chúng ta gặp ở dưới mái trường, thì hãy trọn vẹn chữ trung với những người thầy mà chúng ta đã và sẽ gặp trong suốt hành trình cuộc đời của mình.

Nhất tự vi sư, bán tự vi sư – và, một lời khuyên cũng là thầy, một sự giúp đỡ dù nhỏ nhặt cũng là ân nhân.

Bạn đừng vì điều gì mà vô tình bất nghĩa với ân nhân, cũng đừng vì chưa hiểu vấn đề, không nhìn nhận được vấn đề mà vô tình bất trung với “người thầy” của mình. Thiên hạ có quá nhiều người, nhưng tri kỳ thực sự ít, thầy của bạn cũng không nhiều. Vậy nên, đừng sống vì cả thiên hạ, hãy sống vì cách sống đáng trân trọng của chính chúng ta.

Nhân dịp 20.11 – ngày kỷ niệm nhà giáo Việt Nam, một lần nữa xin được thầm tri ân những người đã dạy dỗ tôi, cho dù là ở trường học hay trường đời! Cho dù là người dạy tôi một ngày hay một năm, cho dù là người khuyên tôi một câu hay dạy tôi một hành trình – trong tôi đó đều là thầy tôi!

Tôi là NGỰ MIÊU


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.

0 Comments

Leave a Reply

XHTML: You can use these tags: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>