Có bao nhiêu loại khủng hoảng truyền thông? | Chia sẻ của Nhà báo Ngự Miêu


Đầu tiên thì hãy cùng Nhà báo Ngự Miêu xác định luôn khái niệm, định nghĩa khủng hoảng truyền thông là gì. Các bạn thân mến! Khủng hoảng truyền thông được định nghĩa là những tình huống khẩn cấp, tình thế đe dọa bất ngờ, vượt qua tầm kiểm soát của chủ thể. Khủng hoảng này thường nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cơ quan báo chí, truyền thông và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của cá nhân hay công ty nào đó. Nó được xem là một sự kiện tràn lan thông tin ra ngoài xã hội theo hướng tiêu cực, gây tổn thất nặng nề với chủ thể, các đối tượng liên quan.

Có bao nhiêu loại khủng hoảng truyền thông?

Các bạn thân mến, tuỳ từng hoàn cảnh, lĩnh vực, tình huống và cũng tuỳ từng người, thì khủng hoảng truyền thông sẽ được phân loại ra khác nhau. Tuy nhiên, tổng quan thì khủng hoảng truyền thông có thể phân loại chung thành 6 loại, hoặc 6 trường hợp. Cụ thể như sau:

1. Khủng hoảng truyền thông xuất phát từ việc xung đột lợi ích

Đây là hình thức mà một cá nhân, hoặc một nhóm có xung đột, mâu thuẫn liên quan đến lợi ích nhất định nào đó. Từ đây, các hoạt động chống phá bắt đầu diễn ra nhằm mang lợi ích về cho phe của mình. Hoạt động chủ yếu của hình thức khủng hoảng truyền thông này là tẩy chay.

2. Khủng hoảng truyền thông xuất phát từ việc cạnh tranh không công bằng:

Khi các công ty, tổ chức đối thủ có những hành động, động thái vượt quá khuôn khổ của pháp luật để chống phá, bôi nhọ danh tiếng nhau. Mặc dù các hoạt động này đều đã được giới hạn, song các hành động đó vẫn diễn ra dưới hình thức “bắt nạt trên mạng”. Trong một vài tình huống, các đối thủ cạnh tranh không công bằng nhờ việc sử dụng truyền thông làm công cụ hỗ trợ, phương tiện để tạo khủng hoảng.

3. Khủng hoảng truyền thông theo kiểu “một con sâu làm rầu nồi canh”:

Điều này có nghĩa là một cá nhân nào đó đại diện cho công ty, tổ chức có hành vi vi phạm các chuẩn mực, thông tin xuất hiện tràn lan trong cộng động khiến cho mọi người kỳ thị, mất niềm tin, thậm chí quay lưng với cả tổ chức.

4. Khủng hoảng truyền thông liên đới:

Khủng hoảng truyền thông kiểu được hiểu là đối tác của cá nhân, tổ chức bị vướng vào những rắc rối nghiêm trọng, từ đó xuất hiện những tin đồn thất thiệt bôi nhọ danh tiếng của công ty, đánh đồng công ty với hành vi sai trái của đối tác.

5. Khủng hoảng truyền thông tự sinh:

Có thể hiểu đây là việc các sản phẩm, dịch vụ của công ty vô tình có vấn đề, bị “bóc phốt” dẫn đến sự bất bình trong cộng đồng. Đây là loại khủng hoảng truyền thông xảy ra thường xuyên ở các doanh nghiệp hiện nay.

6. Khủng hoảng chồng khủng hoảng:

Có thể hiểu đơn giản thì đây là việc công ty xử lý các khủng hoảng không khéo, “càng sửa càng sai” nên càng trở nên khủng hoảng hơn.

Nhà báo NGỰ MIÊU
Người có các lớp học Đào tạo về Khủng hoảng truyền thông


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.