Có nên cho tiền những người ăn xin ở ngã tư đường phố?


Dưới đây là một bức ảnh, mà tôi dám cá rằng hầu hết tất cả những ai đã và đang sống ở Hà Nội cũng thường gặp mỗi ngày ở những ngã tư, nơi dừng chờ đèn xanh đỏ. Và tôi cũng dám cá rằng, hầu hết mọi người cũng sẽ ít nhất một lần đắn đo, suy nghĩ rằng: “Có nên cho tiền những người ăn xin này hay không?”

Hầu hết mọi người cũng sẽ ít nhất một lần đắn đo, suy nghĩ rằng: "Có nên cho tiền những người ăn xin gặp ở ngã tư đường phố hay không?"
Hầu hết mọi người cũng sẽ ít nhất một lần đắn đo, suy nghĩ rằng: “Có nên cho tiền những người ăn xin gặp ở ngã tư đường phố hay không?”
Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Lý do để chúng ta không nên cho tiền những người ăn xin này

Chỉ cần seach từ khóa “chăn dắt ăn xin” trên google, chỉ trong vòng vài giây (s) bạn sẽ nhận về 25.004 kết quả có liên quan. Trong đó, những bài báo nói về những uẩn khúc đằng sau cuộc đời của những người ăn xin đường phố, những cuộc “bóc lột siêu lợi nhuận” của những kẻ bất lương trên mồ hôi nước mắt của những người ăn xin.

Từ những ghi nhận thực tế, những bài báo điều tra như thế, chúng ta dần nhận ra một sự thật rằng, có quá nhiều (nếu không dám khẳng định là tất cả) những cô cậu bé, những ông già bà lão, những người tật nguyền… đang chấp nhận cảnh ăn xin ở những ngã tư đường phố kia, thực ra chỉ là một “thứ công cụ” kiếm tiền của một hay nhiều đối tượng nào đó.

Bằng cách này hay cách khác, những đối tượng đó khống chế được tinh thần và chỉ đạo những người ăn xin này phải nộp tiền xin được về cho bọn chúng. Đa phần, bọn chúng sẽ “nuôi” những người ăn xin này bằng việc cho ăn, cho ở, thậm chí là những bữa cơm và khu trọ tạm bợ, nhưng bị ép lao động một cách quá sức, bị tận dụng đến triệt để, tạo thành thứ “công cụ” kiếm tiền cho những đối tượng kia.

Riết rồi, mỗi đồng tiền những đồng tiền mà chúng ta đưa ra cho những người ăn xin, thực tế lại là đang đưa cho những kẻ xấu, những con người không xứng đáng được nhận. Hoặc có thể nói theo cách khác thì, cho tiền những người ăn xin này là gián tiếp “ném tiền” đi cho những kẻ bất lương hưởng trên mồ hôi công sức của người khác.

Cá nhân Ngự Miêu đã nhiều lần quan sát và nhận thấy, khi những em bé “làm việc” ở ngã tư, xin tiền những người dừng chờ đèn tín hiệu, thì những “ông thầu bà thầu” đang ngồi trà đá góc bên kia đường quan sát. Khi thấy trong những chiếc nón rách đã “kha khá tiền”, những người ăn xin này lại vội vàng vo lấy, cầm chạy mang đến cho những kẻ đang phì phèo hút thuốc nơi cuối góc đường chờ đợi.

Chính vì thế, nhiều khi chúng ta cho rằng, chúng ta không nên cho tiền những người ăn xin ở những ngã tư đường phố đó nữa. Chúng ta không muốn làm ơn sai chỗ, không muốn trở thành người nuôi những kẻ khốn nạn đang đứng lấp ló đâu đó sau cuộc đời những người ăn xin.

Ở một giới hạn nào đó, có thể suy nghĩ này của chúng ta là đúng. Và có lẽ sẽ là đúng nếu chúng ta tin rằng: không nên cho tiền những người ăn xin ở ngã tư đường phố?

Nhưng….

Liệu có khi nào chúng ta nên nghĩ theo một suy nghĩ khác nữa hay không? Mời các bạn của Ngự Miêu, chúng ta tiếp tục đọc bên dưới nhé!



 

Bạn nên cho tiền những người ăn xin, nếu có thể…

Nếu những người ăn xin mà bạn gặp trên đường phố như thế, họ là “ăn xin xịn”, không bị “chăn dắt” bởi một ai, thì tất nhiên rồi, chẳng có lý do gì mà chúng ta không san sẻ một chút khả năng nào đó về tài chính, với những con người kém may mắn ấy phải không?

Vậy, nếu những người ăn xin đó đang kiếm tiền thay cho những kẻ khác thì sao? Theo Ngự Miêu nghĩ, bạn cũng nên cho tiền họ, nếu như khả năng tài chính của bạn lúc ấy có thể. Vì sao ư?

Hãy tìm đọc những bài báo điều tra về “nạn chăn dắt ăn xin”, bạn sẽ thấy, những người được “nuôi để đi kiếm tiền” này cũng không hề sung sướng gì. Những kẻ đang “đầu cơ người ăn xin” kia, bọn chúng thực ra chỉ đang “nuôi sống” những phương tiện kiếm tiền cho bọn chúng thôi. Cuộc sống mỗi ngày của những người ăn xin này hầu hết là lang thang các ngõ hẻm của phố phường hoặc chầu chực ở những ngã tư, bất kể là mưa hay nắng, khỏe mạnh hay ốm đau. Những bữa cơm trưa tạm bợ bằng bánh mỳ hay những suất cơm bụi buổi tối của những kẻ “nuôi họ” chỉ như một thứ để họ để có thể cầm cự được cuộc sống, có sức mà thở theo đúng nghĩa đen mà thôi.

Và đã là “đầu tư”, thì những kẻ khốn nạn kia cũng sẽ không tiếp tục đầu tư vào những người “làm không ra sản phẩm”. Hoặc nói thẳng ra là, nếu ai mà không xin được tiền, hoặc xin được quá ít thì tất yếu sẽ không được chúng đối đãi tử tế, nếu không muốn nói là sẽ bị “ngược đãi”.

Khi không thể “tận dụng lao động” được nữa, chúng sẵn sàng “đá” những người ăn xin “vô dụng” này ra đường thêm lần nữa, thậm chí là xua đuổi, cấm đoán họ không được “làm ăn” ở nơi mà chúng đang “bao thầu”.

Vậy, nếu biết được sự thật là như thế, theo bạn thì chúng ta có nên giúp họ đỡ một nguy cơ bị “ngược đãi” hay không? tất nhiên, nếu hôm đó, chúng ta cũng không dư dả về tài chính trong túi, hoặc nếu đó là thời điểm chúng ta cũng đang “đáng thương” không kém những người ăn xin ấy, thì việc chúng ta lắc đầu hoặc buộc phải làm ngơ thì cũng không có gì đáng trách.

Nhưng, giả sử, nếu hôm đó, bạn vẫn có thể bớt ra năm mười nghìn (5000đ – 10.000đ) thì Ngự Miêu nghĩ rằng, tôi và chúng ta nên hoan hỉ để cho đi. Hãy tự nhủ rằng, số tiền đó chúng ta cho đi không phải là để cứu đói một người, mà là chúng ta cho đi như một lời cầu chúc bình an cho họ. 

Chúng ta, nghĩa là cả tôi và các bạn, sẽ có đôi khi hay tự lừa gạt bản thân mình bằng những lý do nào đó để không muốn cho những người ăn xin ấy một vài nghìn tiền lẻ, nhưng lại sẵn sàng “bo” – không cần lấy lại vài ba chục tiền thừa sau những bữa ăn tiền trăm tiền triệu cơ mà. Vậy tại sao, mỗi chúng ta hãy tự tâm niệm với bản thân mình rằng, sẽ nên biết “hoang tiền đúng chỗ” hơn. 

Tất nhiên, đọc đến đây sẽ có bạn muốn tranh luận với tôi rằng: “một mình tôi cho tiền thì cũng chả giúp được gì người ăn xin kia cả”; hoặc “hôm nay cho, ngày mai lại cho, tôi cho rồi người khác cũng cho”…nhưng sự thật thì những người ăn xin kia có được hưởng đâu. Chẳng tội gì khi biết những đồng tiền ấy chỉ để “nuôi dưỡng” những kẻ khốn nạn ấy làm gi cả.

Tôi công nhận với bạn điều đó, và thực ra, có đôi khi tôi cũng suy nghĩ như thế. Nhưng rốt cuộc, sau những trăn trở, những trải nghiệm của mình, tôi vẫn tin rằng mình nên cho đi nếu đó là thời điểm có thể. Đơn giản chỉ là vì: không phài cho đi để cứu giúp người ta có một miếng ăn, mà cho đi như một lời cầu chúc bình an cho họ.

Và có lẽ, có như thế, trong tâm của chúng ta những lúc suy nghĩ như thế, sẽ cảm thấy thanh thản hơn, sẽ cảm thấy chúng ta sống có ích hơn và những đồng tiền lẻ sẽ không có lúc nào trở thành vô dụng.

Nhé các bạn!

Tôi chỉ đang cố gắng sống và chia sẻ đi những thông điệp tốt nhất có thể mỗi ngày. Nếu có thể, hãy giúp tôi chia sẻ điều này, bạn nhé! Cảm ơn bạn thật nhiều!

Nhà báo NGỰ MIÊU


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.

0 Comments

Leave a Reply

XHTML: You can use these tags: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>