“Người tử tế”? – Những dòng tản mạn đầu năm mới – 2020


Nếu không xét dưới khía cạnh của ngôn ngữ tiếng Việt, và nếu như không nhầm, thì khái niệm “người tử tế” được người ta nhắc nhiều đến hơn trong một vài năm gần đây, sau một phát ngôn của ai đó. Sau đó, như một trào lưu, họ nói nhiều hơn về sự tử tế! Vậy tử tế như nào và ở đâu, là ai?

Cần một người tử tế?

Nhưng ngẫm lại, rốt cục, thế nào là tử tế, thế nào là người tử tế? Hình như cũng rất mơ hồ những khái niệm, trong mắt mình và trong mắt người. Ai chẳng cho rằng cái sự tử tế mà mình đang tin là tử tế; hoặc ai cũng cho rằng cái sự tử tế mà người khác cho rằng là tử tế cũng chưa chắc đã là tử tế. Tôi cũng thế, bạn cũng vậy, đôi khi vì một sự tham sân si, chúng ta toàn tự huyễn hoặc chính mình.

Nghề nghiệp nào cũng thế, thành phần giai cấp nào cũng vậy, ai cũng muốn (tin) mình đã và đang tử tế. Ngược lại, khi có cơ hội, chúng ta hay (tìm cách) chỉ trích người khác (khi mà chúng ta cho rằng) họ chưa phải người tử tế.

Chúng ta tham, tham với mình và khắt khe với đời.Chúng ta thường cho rằng những gì mình đang có chẳng đủ, nhưng khi nhìn ra xã hội thì chúng ta hay đố kị và cho rằng chúng ta bị thua thiệt. Cái sự tử tế cũng thế, đôi khi (ở một giới hạn nào đó) chúng ta đã được những người khác đối xử tử tế, chúng chúng ta tham, chúng ta cho rằng còn cần nhiều hơn thế. Một anh chồng, được cô vợ yêu thương chăm sóc hết mình, nhưng vì tham sân si, anh ta nghĩ thế chưa đủ, anh ta muốn vợ mình phải được như cô vợ của hàng xóm. Một cô gái sau khi kết hôn, anh chồng tâm lý, yêu thương và quan tâm cô rất nhiều. Nhưng chẳng hiểu vì sao, cô vẫn cho rằng, như thế là chưa đủ, vẫn chẳng thể bằng “chồng người ta”. Một anh sếp có tâm, luôn nghĩ cho nhân viên, chẳng bao giờ để họ bị thua thiệt gì cả,… nhưng nhân viên của anh ta thì thường nói về sếp mình như một kẻ thù, một kẻ bóc lột….

Rốt cuộc, rồi thì sau đó, họ chẳng biết được rằng, đâu đã là đủ, đâu là cái họ cần, đâu là sự tử tế họ muốn đón nhận. Dần dần, trong tâm lý của họ, chồng nhà người ta hoặc vợ thằng hàng xóm, hoặc ông sếp của công ty khác… mới là người tử tế. còn những gì họ đang có, những người họ đang có, chưa phải (hoặc chưa đủ) là người tử tế.

Và rốt cuộc thì, đến một lúc nào đó, sự tử tế mà họ có được (vì chán nản, vì không muốn cố gắng nữa, hoặc vì điều gì đó) mà không còn thể hiện, không còn trao đi nữa. Ấy là khi bạn mất hết, để đến khi nhìn lại hoặc nhận ra thì bạn sẽ khó có thể có được những gì bạn mong ước (mà thực ra bạn đã có).

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Tôi và những người bạn của mình.

Nghề nghiệp & sự tử tế?

Tôi thường thấy trên mạng xã hội, người ta hay auto chửi công an giao thông, họ cho rằng CAGT là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Có rất nhiều những clip, những bài đăng không rõ nội dung, không rõ câu chuyện, khó phân biệt đúng sai liên quan đến CSGT được chia sẻ trên mạng xã hội, và sau đó thì người ta lao vào chửi hội đồng, rất nhiều. Họ chửi như một phong trào, như một sự đam mê và thích thú…

Trong nghề báo của chúng tôi cũng vậy, nhiều nơi, họ cứ kiếm cớ và auto chửi khi gặp các phóng viên/nhà báo. Rằng: bọn IS, bọn đi dọa doanh nghiệp để kiếm tiền, bọn kền kền…

Rồi thì, các cô gái làm nhân viên ở những quán bar, vũ trường, sàn nhảy, hoặc đơn thuần chỉ là ở những nơi công cộng mang tính giải trí…. cũng vậy. Đa phần, họ đều được nhận những sự phản ứng gay gắt của cộng đồng, sự chỉ trích vì cho rằng họ không phải là những người tử tế.

Chưa hết, các nghề khác, nhiều nghề cũng tương tự một hoàn cảnh như thế. Rất nhiều người, nhiều ngành, nhiều nghề… chẳng hiểu vì sao cứ vô tình và auto bị người ta cho rằng là không tử tế. mà mọi người quên rằng, chính chúng ta, nếu chúng ta vội vàng chỉ trích và đánh giá như thế, nghĩa là chúng ta cũng chưa tử tế!

Nghề nào cũng vậy, người ở đâu cũng thế, đều có vuông tròn, to nhỏ, tốt xấu, hoàn thiện hoặc khiếm khuyết… Cớ gì chúng ta cứ vội vàng, auto chỉ trích để rồi chúng ta biến mình thành một kẻ không tử tế nhưng cứ luôn mồm tin rằng mình là người tử tế?

Vậy tử tế khi nào, ở đâu và là ai?

Bỏ qua những khái niệm hoa lá, rườm rà đi, thì có lẽ sự tử tế cũng dễ để định nghĩa. Tôi nghĩ, có lẽ để làm người tử tế, chúng ta chỉ cần thay đổi cái tâm và cách nhìn của chính mình đối với cuộc sống. Quan trọng hơn cả, chúng ta tâm niệm về một sự hài lòng nhất định, không quá tham lam về những điều “tôi muốn” nữa.

Chúng ta học cách sẻ chia nhiều hơn, không phải chỉ là sẻ chia bạc tiền, kiến thức, …. mà còn sẻ chia chính những quan niệm của bản thân cho chính bản thân mình. Học cách khắt khe với bản thân hơn, trong khi bao dung với cuộc đời hơn. Học cách bằng lòng với cuộc sống hơn nhưng lại không cho phép bản thân bằng lòng với những gì bản thân mình đã và đang làm được hơn.

Tử tế ở đâu? từ tế đôi khi hiện hữu ngay trong chính suy nghĩ, lương tâm của mỗi chúng ta. Thay vì chỉ trích người khác, chúng ta không cho phép mình chỉ trích nữa. Thay vì đòi hỏi càng nhiều càng ít sự tử tế của người khác dành cho mình, chúng ta học cách tử tế với họ trước đi. Vậy đấy, sự tử tế xuất hiện đầu tiên là ở trong tâm niệm sống của chính mỗi chúng ta.

Tử tế khi nào? Chắc chỉ có lúc ngủ, chúng ta mới không thể hiện được sự tử tế thôi. Đừng quá tô vẻ cho sự tử tế trở thành một cái gì đó to tát lắm mà phải nỗ lực thực hiện. Bài viết này đã chia sẻ cho bạn thấy rồi, chúng ta học cách tử tế với chính tâm mình là đã phần nào tử tế được với cuộc đời rồi. Vậy tử tế khi nào? hãy tử tế mỗi ngày chúng ta đang sống. Nhé bạn!

Ai là người tử tế? Có lẽ chúng ta nên thay câu hỏi này bằng câu: ai là người không tử tế sẽ dễ dàng hiểu câu chuyện hơn. Có quá nhiều khi, chúng ta cứ vội vàng tìm kiếm xem đứng trước mặt chúng ta ai là người không tử tế, và họ có những gì để có thể chỉ trích là không tử tế. Cuộc sống này, đôi khi chúng ta là vậy, nhìn nguời mà quên nhìn ta. Chúng ta cứ tìm kiếm xem ai là người không tử tế mà không muốn (hoặc quên) việc tìm kiếm những người tử tế. Vậy, ai là người tử tế? Người tử tế la mỗi chúng ta: vấn đề là chúng ta đã sống được tử tế hay chưa? (câu này hack não quá phải không các bạn? đọc lại đoạn bên trên: tử tế ở đâu và tử tế khi nào nhé).

Một năm mới đã bắt đầu, có lẽ đã đến lúc mỗi chúng ta cùng ngồi xem lại chính mình, và cả khái niệm người tử tế của mỗi người. Trước những khái niệm về người tử tế mà chúng ta đưa ra, chính bản thân chúng ta cần làm được những điều đó đã. Cái nào mình chưa làm được, sẽ không chỉ trích người khác, không đánh giá người khác là không tử tế nữa. Vậy thôi!

Tham lam, sân si, chỉ trích cuộc đời… rồi cũng vậy. Rốt cuộc, đến một lúc nào đó, chúng ta thấy mình sai, chỉ sợ lúc ấy là lúc quá muộn mà thôi.

Sống chậm lại trong tâm bạn, học cách tha thứ và bao dung với cuộc đời và nghiêm khắc với bản thân mình. Học cách đặt bản thân mình vào hoàn cảnh người khác để có thể vị tha hơn, thanh thản hơn và dễ tìm kiếm sự tử tế hơn.

Ấy là khi chúng ta đã là người tử tế! Hoặc chí ít cũng có quyền được tự xưng: tôi là người tử tế!

Mr. Sựt


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.