“Nhỏ không học lớn lên làm nhà báo” – sự thật như nào?


“Nhỏ không học lớn lên làm nhà báo” – đó là câu nói mà lâu lâu tôi lại bắt gặp trên mạng xã hội hoặc ngoài đời; ở chỗ mà người ta đang nói chuyện vui đùa trêu chọc nhau, nhưng thường xuyên hơn là ở chỗ mà họ đang bàn tán, thậm chí là chửi mắng nói xấu nghề báo, những người làm báo…

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Vì sao lại có câu nói: “Nhỏ không học lớn lên làm nhà báo”?

Thời gian đầu, mỗi lần nghe ai đó nói đến câu này, thú thực tôi rất giận dữ, rồi thì tự ái, tự ti. Cao trào hơn, có những lúc, tôi thậm chí còn không muốn người ta biết rằng mình là người làm báo.

Nhưng rồi, cuộc sống này thực ra chẳng có cái gì là vô cớ, là tự dưng cả, cái gì cũng có nguyên do của nó. Vì thế, tôi quyết định tìm cho mình câu trả lời “Vì sao lại có câu nói: “Nhỏ không học lớn lên làm nhà báo”?”.

Và câu trả lời, câu nói “nhỏ không học lớn lên làm nhà báo” đúng là có lý do của nó thật các bạn ạ, cả lý do tiêu cực lẫn nguyên do tích cực. Rồi thì trong các lý do ấy, có lẽ không đơn thuần chỉ là sự tức giận, sự tự ti xấu hổ mà cá nhân Ngự Miêu cho rằng, ở một giới hạn nào đó cũng có sự tự hào cho phần đông những người làm báo.

Nguyên do tiêu cực

Như tìm hiểu được biết, trong khoảng vài ba năm trở lại đây, đã liên tiếp có nhiều, thậm chí là quá nhiều các cơ quan báo chí được ra đời. Các cơ quan báo chí ở đây, có thể hiểu theo nghĩa rộng, nghĩa là nó có thể là một tờ báo mới, một tờ tạp chí mới, hoặc đôi khi là những chuyên trang, những ấn phẩm, tập san…

Và đáng buồn là có một số nhỏ trong đó, các cơ quan ấy ra đời chỉ với mục đích “ăn xổi”. Thành ra, khi một cơ quan đi theo phong cách “ăn xổi” thì những người làm việc ở đó cũng xuất hiện những người muốn “ăn xổi”.

Thành ra, nhiều cơ quan báo chí như thế, họ chỉ cần tìm được những người nào có khả năng tạo ra được thật nhiều về kinh tế báo chí. Đó có thể là các khả năng về sale (bán hàng) để khai thác thị trường truyền thông và tạo ra các hợp đồng truyền thông (điều này là hoàn toàn bình thường nhé các bạn, không phải là chuyện tiêu cực gì ở đây nhé). Hoặc, cũng có thể đó là các khả năng tạo ra được kinh tế theo nhiều cách khác nhau (có thể bao gồm cả cách tiêu cực lẫn tích cực)…

Và, không ít người trong số đó, họ thậm chí không biết một chút gì về kiến thức nghề báo, không có khả năng để tự viết được một bài báo “cho ra hồn”. Việc của họ là “đi kiếm tiền” theo cách của riêng họ, nhưng khổ một nỗi là (dù muốn hay không) họ vẫn đang làm việc tại một cơ quan báo chí. Và thế là, mặc định họ được gọi là các nhà báo, phóng viên hoặc họ sẽ tự xưng là như vậy.

Thành ra, dẫn đến một sự thật là, những “nhà báo” đó, đôi khi trong quá trình làm việc, trong quan hệ xã hội, trong phát ngôn, trong hành động…. họ có những thể hiện mà khiến cho thiên hạ nhìn vào chỉ muốn…chửi.

Từ đó, cái khái niệm “nhỏ không học lớn lên làm nhà báo” bắt đầu hình thành, để nhằm chế giễu những người không đúng nghĩa là nhà báo hoặc là nhà báo nhưng họ không có những trình độ nhất định về chuyên môn, nhưng lại thích mang cái danh đi “lòe thiên hạ”. Hoặc, họ chỉ thuộc bộ phận kinh doanh, truyền thông, hợp tác quảng cáo… nhưng lại cố tỏ ra rằng là một người làm chuyên môn giỏi, có tầm ảnh hưởng, viết báo cao siêu…

Nguyên do tích cực

Nhưng, cái gì cũng có 2 mặt của vấn đề. Nguyên do tiêu cực bên trên cũng chỉ là một phần của câu nói: “Nhỏ không học lớn lên làm nhà báo”, ngược lại cũng có những lý do tích cực để dẫn đến điều này.

Như cá nhân mình được biết, có rất nhiều những nhà báo giỏi, nổi tiếng, có tài, có tâm, có tầm ảnh hưởng thực sự… họ vốn không phải là một sinh viên trường báo hoặc xuất phát điểm không hề được đào tạo chính quy từ những ngôi trường của nghề báo.

Có người thì học điện, có người học luật, có người học quản lý… thậm chí, có những người vốn học hoặc làm những ngành nghề “khô khan” như là kĩ sư, là dân kỹ thuật. Thế nhưng, số trời run rủi thế nào lại đẩy xô họ đến với nghề báo. Và rồi, như cá gặp nước, như cái duyên nghề buộc phải đến, họ cứ thế đi qua những năm tháng với nghề, thành công với nghề và trở thành những nhà báo giỏi lúc nào không hay.

Một trong những đặc thù của nghề báo hiện tại là chưa có quy định cụ thể nào về việc bạn buộc phải học các chuyên ngành báo chí mới được vào làm việc ở các cơ quan báo chí, mới được trở thành phóng viên. Có lẽ, vì thế mà nhiều người cho rằng quá dễ dàng để có thể “trở thành nhà báo”.

Từ đó, cộng thêm với những câu chuyện buồn của nghề báo, những cá nhân nhỏ lợi dụng nghề báo hoặc làm xấu đi nghề báo, mà rồi nhiều người chán nản quá, họ buông thành câu: “Nhỏ không học lớn lên làm nhà báo”là vì thế.

Còn để có thể trở thành một nhà báo thực thụ, có tài năng, có khả năng thành công với nghề thì không hề dễ dàng các bạn ạ. Nghề báo là nghề đòi hỏi khá nhiều kỹ năng, đặc biệt là kĩ năng nghiệp vụ. Mà những kỹ năng này, dường như không có trường học nào có thể dạy hoặc có thể trang bị đủ cho sinh viên của mình. Vì thế, tất cả những người làm báo, họ phải đánh đổi sự cống hiến, sự đam mê, sự nỗ lực và trải qua nhiều năm tháng mới có thể tìm kiếm cho mình hành trang về kĩ năng và kinh nghiệm.

Đọc thêm:
Vì sao có thực trạng: sinh viên trường báo phải đào tạo lại mới có thể vào nghề?
Kinh nghiệm viết báo, kiến thức cơ bản để bắt đầu nghề báo
Ra trường, muốn sớm ổn định thì đừng theo…nghề báo (1)
Muốn có một thanh xuân đúng nghĩa, bạn nhất định phải gặp được 4 người này!

Bởi thế, nếu bạn gặp một nhà báo thực sự, thì cho dù họ là người không có nhiều những bằng cấp cao siêu, hoặc không phải là một “sinh viên trường báo xịn xò” thì cũng đừng vội chê bai hay khinh thường họ. Để có thể trụ được với nghề, và nhất là có thể thành công với nghề, họ phải thực sự là có tài năng, có tố chất và đặc biệt là họ đã đánh đổi thanh xuân cho đam mê và hành trình với nghề rất nhiều.

Câu nói: “Nhỏ không học lớn lên làm nhà báo”, có thể bạn chỉ nói vui nói đùa hoặc có thể là nói thật cảm xúc vì lý do nào đó. Tuy nhiên, rất hy vọng các bạn sẽ dử dụng câu nói này đúng người, đúng hoàn cảnh, vì nếu không cẩn thận sẽ vô tình làm mất đi những giá trị thiêng liêng, thanh quý của người làm báo. Mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, mọi công việc… sẽ luôn có người này người kia, vấn đề này vấn đề kia, nhưng sau tất cả, nghề báo vẫn là một nghề cần được trân quý vì những gì nghề báo cống hiến.

Và, bài viết này cũng hi vọng một lần nữa truyền tải đi thông điệp đến các bạn sinh viên trường báo, những người đam mê và muốn theo nghề báo (dù không có cơ hội học trường báo) rằng: nếu có đam mê, nếu có quyết tâm, và nếu dám nỗ lực cố gắng thì nhất định các bạn vẫn sẽ thành công, vẫn có thể trở thành nhà báo giỏi, có ích cho đời, cho xã hội và cho chính bản thân mỗi người.

Nhớ theo dõi Fanpage và tham gia vào Group để cùng Ngự Miêu tôi trò chuyện và chia sẻ cuộc sống mỗi ngày nhé, các bạn. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này, chúc các bạn Online vui vẻ!

Tôi là NGỰ MIÊU


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.

0 Comments

Leave a Reply

XHTML: You can use these tags: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>