Ra trường, muốn sớm ổn định thì đừng theo…nghề báo (1)


Như tất cả các ngành khác, phàm đã là sinh viên, ai cũng hi vọng khi ra trường sẽ sớm tìm được một công việc, một nơi làm việc ổn định. Thế nhưng, trong nhiều hoàn cảnh, nếu thấy cần thiết, tôi thường khuyên các em sinh viên rằng, ra trường, muốn sớm ổn định thì đừng theo…nghề báo. Nghe có vẻ hơi…sai sai, nhưng có lẽ sẽ là đúng nếu bạn đọc xong bài viết này.

(Bài 1)

Lương phóng viên là bao nhiêu?

Trước khi bắt đầu những chia sẻ của mình, tôi muốn lưu ý với các bạn một chút rằng, mói thứ chỉ mang tính chất tương đối và mặt bằng chung nhé, chứ không phải 100% mọi nơi, mọi người, mọi cơ quan, mọi hoàn cảnh sẽ là như vậy.

Như nhiều bạn đã biết, sau hoạt động quy hoạch báo chí được triển khai, hiện nay Việt Nam có khoảng 850 cơ quan báo chí, trong đó có 179 cơ quan báo, 648 tạp chí, 23 cơ quan báo chí điện tử độc lập; có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh-truyền hình với 2 đài Quốc gia, 64 đài địa phương, 5 kênh truyền hình. Cả nước hiện có trên 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí (cả 4 loại hình), trong đó có 20.407 trường hợp đã được cấp thẻ nhà báo.

Báo chí đang trong lộ trình triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, việc tự chủ trong báo chí không còn là xu hướng, mà đã trở thành kế hoạch cụ thể đặt ra khá nhiều thách thức cho mỗi tòa soạn.

Theo nội dung của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, để giảm gánh nặng của Nhà nước và nâng cao chất lượng báo chí phải xác định các loại hình báo chí: Ngoài những tờ báo có chức năng nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động, còn lại hầu hết các tòa soạn nên bước ra tự chủ về tài chính.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí hiện tồn tại 3 hình thức: được ngân sách Nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần; được cơ quan chủ quản bao cấp một phần, tự cân đối thu chi; tự chủ hoàn toàn về tài chính. Hiện có 300/857 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Trong khi cơ quan báo Đảng phần lớn được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì báo của các bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể phần lớn tự hạch toán, tiếp tục gặp nhiều khó khăn (1)

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Khi đó, các tờ báo gần như chẳng khác gì một doanh nghiệp ở góc độ kinh tế. Nghĩa là họ sẽ phải tự thu tự chi, tự tính toán cách tạo ra nguồn thu để phân bổ cho chi phí. Một khi như thế, nghĩa là sẽ hình thành vấn đề là “nhà thì giàu nhà thì nghèo” ở các cơ quan báo chí. Cơ quan A làm tốt, có nhiều nguồn thu thì tự khắc là nhân sự của cơ quan ấy có nhiều nguồn để chi hơn. Ngược lại, cơ quan B gặp khó khăn trong hoạt động, nguồn thu kém hơn thì lẽ dĩ nhiên là các nhân sự sẽ được nhận về những quyền lợi kinh tế thấp hơn.

Tôi đã từng ngồi với một bác phụ huynh có con đang sinh viên năm cuối AJC Hà Nội. Bác ấy bảo: “Kỳ vọng vào nó lắm, thấy bảo ra trường, xin được việc thì cũng sớm ổn định. Gì chứ lương tháng trên dưới mười triệu cũng là bình thường…”

Thú thật, nghe bác ấy nói xong, tôi bỗng có một thứ cảm giác hơi chạnh lòng. Thực ra, nếu để nói về thu nhập chung chung của những người làm báo hiện nay (gọi chung cho cụm từ phóng viên, nhà báo) thì cũng không có một mức nào là cố định, nhất là những người đang làm ở những cơ quan tự chủ về kinh tế.

Tôi thấy có người thu nhập khoảng 12 triệu/tháng, có người khoảng 25 triệu/tháng, hay gần đây nhất, một phóng viên trẻ trong ban của tôi, bạn ấy có tổng thu nhập là 55 triệu/tháng. Nhưng cũng có những bạn phóng viên, tháng vừa rồi chỉ được gần 3 triệu thu nhập, số tiền ấy may lắm thì chỉ vừa đủ để trả tiền nhà trọ và điện nước…

Vậy, lương phóng viên bây giờ là bao nhiêu? có đáng để theo nghề báo hay không? các bạn có thể tự tìm hiểu bằng cách tra các quy định về mức lương cơ bản và các quy định liên quan. Nhưng, đó là các văn phạm văn bản thôi nhé, còn thực tế thì cũng không hoàn toàn là vậy đâu. Nhất là khi mà đến giờ, đa số các cơ quan báo chí đã và đang dần chuyển sang thế tự chủ mọi mặt, thì việc lương phóng viên là bao nhiêu lại trở thành một đề tài không có câu trả lời cố định nhất hoặc đúng nhất. 

Chốt lại cho câu hỏi lương phóng viên là bao nhiêu, thì tôi tạm trả lời chung chung thế này nhé: ở thời điểm hiện tại, thu nhập của một phóng viên dao động từ 2 – 50 triệu/tháng. Còn tại sao, như thế nào để có thể từ 2 triệu/tháng mà thành 50 triệu/tháng hoặc thậm chí là hơn, thì các bạn đợi đọc ở bài sau mình sẽ chia sẻ tiếp câu chuyện vì sao muốn ổn định sớm thì đừng theo nghề báo nhé. Bây giờ thì phải đi nấu cơm cho vợ đã, không là mai vợ không cho đi làm báo nữa thì…mất hết đam mê!

(còn tiếp)

Tôi là NGỰ MIÊU

(1) Nguồn tư liệu tại: http://hoinhabaovietnam.vn/Bao-chi-truoc-bai-toan-tu-chu_n46552.html


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.

0 Comments

Leave a Reply

XHTML: You can use these tags: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>