Từ câu đùa vô duyên của “Duy Muối”: đạo đức làm người thế đấy!
Từ câu đùa vô duyên của “Duy Muối”, ngẫm chuyện nghĩa tử là nghĩa tận hay đạo đức làm người thế đấy!
Bạn có thể theo dõi nhiều nội dung tương tự hơn trên Tiktok Nhà báo Ngự Miêu – Tiktok Nhà báo Xuân Thời hoặc kênh Youtube khủng hoảng truyền thông.
Từ tối qua, khi tin buồn TBT Nguyễn Phú Trọng qua đời, hàng loạt các fanpage, group không ai bảo ai đồng loạt thay ảnh avatar. Họ chuyển tất cả sang một màu trắng đen của ảnh.
Hầu hết các tờ báo điện tử cũng chuyển trạng thái, logo và layout cũng chuyển sang màu đen.
Rất nhiều các KOL, KOC và cả những tài khoản Facebook chỉ…vài like, họ cũng thay avatar. Có cả những chị bán hàng online, những anh lập face chỉ để tán gái, những người cả đời không bao giờ nói gì đến chuyện chính trị… họ cũng thay avatar một màu đen trắng.
Họ làm thế đều tự giác, tự nguyện, sự thật là chẳng có bất kỳ một lời kêu gọi nào về việc “quốc tang trên MXH” cả.
Điều này xuất phát từ việc phần lớn người dân đều yêu quý, kính trọng cố TBT Nguyễn Phú Trọng. Vì thế, việc ông cụ qua đời, khiến cho mọi người xót thương và có những hành động tưởng nhớ, cũng là điều dễ hiểu.
Tính đến chiều hôm nay (20/7/2024), nhiều quốc gia và lãnh đạo cấp cao các nước đều cũng đã có thư chia buồn; đặc biệt nước Cuba là quốc gia sớm nhất đưa ra thông cáo về việc sẽ tổ chức quốc tang cố TBT Nguyễn Phú Trọng.
Thế nhưng, giữa lúc đất nước đang xót thương vì sự ra đi của một con người ưu tú của Tổ quốc; một lãnh đạo mẫu mực, một người cộng sản kiên trung… thì trên mạng xã hội xuất hiện câu chuyện của Duy Muối.
Theo đó, mạng xã hội xôn xao bàn tán, bày tỏ sự bức xúc, thậm chí là lên án gay gắt trước một bình luận “vô duyên” trên MXH của người có nickname là Duy Muối về hình ảnh và sự ra đi của cố TBT Nguyễn Phú Trọng.
Bình luận vô duyên của Duy Muối gây phản ứng bức xúc trong cộng đồng mạng.
Cụ thể, khi bình luận về một bài viết trẻn MXH, Duy Muối đã thể hiện sự vô duyên khi ám chỉ dòng chữ 1944-2024 (thể hiện năm sinh – năm mất của cố TBT) bằng câu ví von là “số hotline”.
Ngay lập tức, hành vi này nhận về sự phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng. Sau đó, người này có đăng tải 1 bài viết trên MXH Facebook để giải thích và xin lỗi về hành động của mình.
Thế nhưng, quá muộn, khi mà sự phản ứng của cộng đồng mạng trở lên cao trào. Duy Muối nhanh chóng bị buộc phải khoá trang cá nhân Facebook và đặt chế độ riêng tư trên kênh tiktok của mình.
Duy Muối đã phải khoá kênh cá nhân của mình trên MXH tiktok, youtueb và facebook.
Theo tìm hiểu thông tin trên internet, Duy Muối có tên thật là Trần Mạnh Duy (1992), là một chàng trai trẻ năng động và rất đa tài. Hiện nay, anh chàng đang là một Founder, Director, CEO tại DC Media tại Hà Nội. Duy Muối cũng được nói đến với vai trò là người đứng sau thành công của nhiều các KOC, KOL trên tiktok.
Thế nhưng, cho dù nổi tiếng là vậy, mang danh là “trùm truyền thông” nhiều fan hâm mộ là vậy, nhưng hành động vô duyên của Duy Muối trong drama lần này đã không giúp Duy “thoát nạn”.
Nhiều bài đăng, tiếng chê lời chửi dành cho nhân vật nổi tiếng này!
Một fanpage tuyên bố vui là gạch tên Duy Muối ra khỏi quê hương Quảng Ninh
Từ những câu chuyện trên đây, bất chợt tôi nghĩ về cái văn hoá “nghĩa tử là nghĩa tận” của người Việt Nam. Xưa nay, với người đã khuất, cho dù khi còn sống họ có giận hờn hay mâu thuẫn gì với nhau, thì đến lúc ra đi, người ở lại họ cũng không đành lòng buông lời cay đắng. Huống hồ gì một người đặc biệt của một quốc gia vừa ra đi, tại sao lại có một người dân lại có thể cợt nhả trên chính điều đó? Đây là sự ngu xuẩn hay là thói vô học? Đây là phạm trù về đạo đức hay có ý đồ như những “kẻ thù địch”?
Và cũng nghĩ về cái gọi là đạo đức của lòng người đối với một số kẻ của ngày nay khi họ chỉ cần “bú fame, câu view” và kiếm tiền – bất chấp giá trị của đạo đức, giá trị của tình người.
Phải chăng, chúng ta đang quá dễ dãi với những người “nổi tiếng trên mạng” – họ ảo tưởng về thứ “quyền lực mạng” khi nghĩ rằng có thể thích nói gì thì nói, phát ngôn ra sao cũng được?
Chỉ sau vài giờ có “phát ngôn vô duyên”, Duy Muối đã phải “chạy trốn” dư luận khi buộc phải đóng, khoá các kênh của mình trên facebook, tiktok. Đây có thể coi là một sự trả giá không hề nhỏ cho Duy Muối vì các kênh và công việc hiện tại đang giúp cho anh chàng này kiếm rất nhiều tiền.
Tất nhiên, chỉ cần vài ngày sau thôi và với chiến thuật xử lý khủng hoảng truyền thông tốt thì mọi chuyện có thể sẽ dần được lãng quên. Người ta sẽ không xì xào bàn tán gì nữa, Duy Muối sẽ mở lại các kênh và trở lại với các chiêu thức kiếm tiền của mình ở trên mạng.
Thế nhưng, cái mà gọi là “hệ tư tưởng lỗi” (nếu có) trong câu chuyện này cũng là một lời cảnh tỉnh sâu sắc cho các bạn trẻ và cả những người giữ vai trò trong công tác quản lý. Đã đến lúc cần nghiêm khắc với những hành động vô học, vô đạo đức, thậm chí là có tư tưởng lệch lạc, chống đối của một số người nổi tiếng trên MXH.
Nhà báo NGỰ MIÊU – Người chia sẻ các câu chuyện & kiến thức về khủng hoảng truyền thông
Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube. |