Vì sao có thực trạng: sinh viên trường báo phải đào tạo lại mới có thể vào nghề?


Có nhiều bạn sinh viên, sau khi tốt nghiệp trường báo hoặc các khoa ngành đạo tạo báo chí, họ vẫn chưa thực sự đủ sẵn sàng để bước vào nghề. Thậm chí, không ít những tòa soạn báo, họ buộc phải “đập đi làm lại” các kiến thức cho những phóng viên này.

 

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Thực trạng là có thật?

Từ nhiều năm nay, có lẽ là một “duyên nợ” nên cá nhân tôi thường được giao (hoặc bị giao) vai trò là người hướng dẫn, rèn luyện nghề cho các phóng viên mới về cơ quan. Có nhiều những cảm xúc vui buồn, thậm chí là thú vị về điều này, nhưng thú thực có một điều khiến tôi suy nghĩ, trăn trở khá nhiều mà vẫn chưa thực sự tìm ra được câu trả lời cho việc: “Vì sao có thực trạng: sinh viên trường báo phải đào tạo lại mới có thể vào nghề?”

Nghe có vẻ là vô lý, thậm chí là cực kỳ vô lý nếu nói rằng các bạn sinh viên trường báo, chuyên ngành báo học xong mà ra trường phải đào tạo lại. Thế nhưng, có lẽ, ở một giới hạn nào đó, không hoàn toàn là vô lý. Thậm chí, để ngành báo sẽ luôn có những sinh viên xuất sắc, tạo cái nôi cho những nhà báo giỏi của tương lai, có lẽ chúng ta cần một chút nghiền ngẫm lại để tìm ra những phần chưa được hoàn hảo trong lộ trình đào tạo cho các bạn ấy, ngay từ khi còn trong trường.

Câu chuyện thứ nhất

Khoảng 3 năm trước, tôi có nhận kèm cặp một bạn phóng viên mới, bạn ấy vừa tốt nghiệp trường Đại học Văn hóa, khoa Viết văn báo chí. Một lần, bạn ấy nhận được nhiệm vụ là đi đưa tin về tình trạng chặt phá rừng ở một địa phương thuộc khu vực Tây Bắc. Bạn ấy đi 02 ngày về, rồi hoàn thành được bản tin ngắn về vụ bắt giữ lâm tặc ngày hôm đó. Bài được đăng, bạn ấy tiếp tục được giao nhiệm vụ: Tiếp tục bằng loạt bài về tình trạng cả khu, bất cập trong quản lý, ý kiến của người dân và địa phương….

Nhận nhiệm vụ, bạn ấy bảo cần thời gian 10 ngày để đi tác nghiệp, tôi hỏi là hôm trước đi 02 ngày em chưa khảo sát luôn những điều này à thì bạn ấy đáp: Em lại tưởng chỉ đi làm tin bắt bớ xong thôi nên không làm gì cả.

Câu chuyện thứ hai

Sau này, có một câu chuyện nữa khiến tôi trăn trở hơn. Một bạn nam, tốt nghiệp bằng khá của Đại học Xã hội và Nhân văn – ngành báo chí.

Khi được giao phụ trách viết bài tổng hợp về tình hình kinh tế xã hội trong tuần, bạn ấy hào hứng nhận nhiệm vụ, tôi cũng tin rằng bạn ấy sẽ hoàn thành tốt công việc, vì thể loại “tổng hợp” gần như là công việc dễ nhất sau… “dẫn nguồn”. Thế nhưng, cuối tuần, thấy vẫn không gửi bài để duyệt đăng, tôi hỏi thì bạn ấy gãi đầu gãi tai trả lời: khó quá anh ạ, em không biết tổng hợp như thế nào?

Câu chuyện thứ ba

Một bạn phóng viên được giao đi phỏng vấn một ông Chủ tịch tỉnh A về đề tài tại sao tỉnh đó để tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra nhiều năm, bạn này sinh viên chuẩn tốt nghiệp Học viện Báo chí Tuyên truyền (AJC) luôn.

Tuy nhiên, sau khi đi về, bạn ấy báo cáo và xin lỗi rằng không thể viết được bài vì ông chủ tịch ấy quá “cao tay”, toàn trả lời lạc đề, thậm chí là dẫn dắt bạn phóng viên lan man sang câu chuyện khác, hết cả buổi chiều mà vẫn không có câu trả lời cậu ấy thực sự cần.

Câu chuyện thứ tư

Chuyện này thì xàm và khó tin cực kỳ luôn. Một bạn phóng viên đang thời giam thử việc, gửi một tin bài về tai nạn giao thông trong đêm. Đọc xong cả cái tin, mình không thể xác định được là sau đó công an họ có đến làm việc không và hướng xử lý vụ việc như nào. Bốc máy hỏi phóng viên, bạn ấy đáp: Ôi em quên không hỏi, tại vội đưa tin nên chỉ quan tâm đến việc ai bị tai nạn, tai nạn ra sao để kịp có tin nóng câu view thôi….

Từ 4 câu chuyện nhỏ, tưởng chừng như đơn giản, nhạt nhẽo bên trên, nhưng cũng có thể khiến chúng ta chạnh lòng về thực trạng có một con số không nhỏ các sinh viên báo chí đang bắt đầu vào nghề với vốn kiến thức sách vở, khô khan và khó thực tế. Tất cả bọn họ, vẫn chỉ hiểu một cách đơn thuần rằng báo chí là đưa tin và họ chỉ có nhiệm vụ là đưa tin. Nhiều người trong số họ áp dụng một cách máy móc các công thức được học trong trường để đi làm nghề. Học được thế nào là tin, thì họ viết cái tin y hệt công thức đó; thế nào là phóng sự thì họ cố ép cái bài viết vào đúng lý thuyết về một phóng sự. Mọi thứ trở nên khô khan, khó đọc, thậm chí là khó hiểu hoặc có cảm giác như một đứa bé đang tập làm văn.

Đọc thêm:

Em ơi! đời làm báo!
“Hãy cầm bút bằng trái tim yêu nghề thực sự!”

Nhiều sinh viên báo chí ra trường phải “đào tạo lại”?

Đó là một sự thật trong thực tế ở nhiều những tòa soạn ngày nay. Nhiều sinh viên cảm thấy bị bỡ ngỡ trước những gì mà trước đó họ tưởng là “mình được học”. Thậm chí, có rất nhiều lần, khi ngồi trò chuyện với các bạn phóng viên mới vừa ra trường, tôi phải nói thật với các bạn ấy rằng: “anh sẽ đập đi làm lại”, nghĩa là, để các bạn ấy có thể vào nghề và theo nghề, tôi buộc phải đào tạo lại các bạn như từ những ngày đầu vừa vào trường.

Xã hội đang chuyển động nhanh mỗi ngày, và với cá nhân mình, tôi cũng cảm nhận thấy nghề báo cũng thay đổi mỗi ngày. Từ cách thức làm việc, từ biện pháp tác nghiệp, đến tính chất của công việc, vai trò của người làm báo hay như cách thích nghi với cuộc sống để theo nghề cũng được thay đổi một cách chóng mặt. Đó là lẽ tất yếu của cuộc sống, xã hội thay đổi, con người thay đổi, và buộc tính chất ngành nghề cũng phải thay đổi theo là điều không có gì bất ngờ.

Vì thế, dù mọi thứ về nghề báo nói chung vẫn thế, nhưng ở thực tế, những điều ấy đã được vận động sang một chu kỳ mới rất nhiều. Những người đang làm báo của thực tại, có những người đã cảm thấy bình thường với sự thay đổi, có người thì vẫn đang học cách thích nghi được với nghề báo của thời kỳ “bình thường mới”; có người thì đang cố gắng để không bị bỏ sau của sự thay đổi… Nói chung, hầu hết thì mọi người – những phóng viên nhà báo của thực tại – họ đều đã và đang thay đổi cùng sự thay đổi chung.

Nhưng, giáo án, giáo trình và môi trường học trong các trường thì dường như chưa có nhiều thay đổi.

Vì thế, nhiều sinh viên trường báo phải đào tạo lại mới có thể vào nghề. Đào tạo lại không có nghĩa là học lại, mà buộc phải dạy lại các kĩ năng làm việc để có thể phù hợp với thực tế. Tình trạng này do thời gian học tập trong nhà trường có hạn. Trong 4 năm học, với số lượng khoảng 3000 đến 4000 tiết học, giảng viên không thể truyền dạy cho sinh viên tất cả mọi thứ, mà chỉ cung cấp những cái nền tảng nhất. Ở môi trường Đại học phải tự học là chính, giảng viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn, định hướng. Để tránh tình trạng “đào tạo lại”, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần phải tự học kĩ năng làm việc ngoài thực tế.

Nhiều trường hiện nay, đã và đang áp dụng nhiều hình thức để có thể thay đổi được thực trạng này, cũng là giúp sinh viên có nhiều kỹ năng và kiến thức thực tế hơn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Ví dụ như họ mời những nhà báo có chuyên môn, kinh nghiệm và tầm ảnh hưởng của hiện tại để về trợ giảng, thính giảng hoặc các cuộc nói chuyện. Điều này là nên làm và thực sự là có những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, việc này cũng chưa diễn ra thường xuyên, thêm nữa cũng chỉ giúp cho các em sinh viên được nghe chứ chưa được làm, nên hiệu quả cuối cùng vẫn chưa thực sự là hiệu quả.

Giải pháp nào cho sinh viên học báo?

Bởi những gì chứng kiến thực tế như vậy, bản thân tôi thường cho rằng, môi trường đào tạo nghề báo tại các trường học ngày nay cần sớm có những giải pháp được bổ sung. Có thể bằng cách này hay cách khác, tùy vào tình hình và hoàn cảnh của mỗi trường, mà cần có biện pháp giúp các em được thực hành nhiều hơn là những gì các em được nghe.

Năm 2021 này, có một điều khá thú vị với cá nhân Ngự Miêu, khi đã lần lượt tiếp nhận 4 em sinh viên năm 2 đang học khoa ngành báo chí tại một số trường Đại học theo để được học việc. Khi tôi hỏi vì sao mới năm 2 mà các em đã muốn “nhào vào nghề” sớm như vậy, dù là mỗi em có một cách trả lời khác nhau, nhưng đều có một điểm chung là các em sớm nhận ra rằng kiến thức ở trường chỉ là kiến thức, muốn vào được nghề các em cần có thực tế.

Tôi mừng vì các em nghĩ đúng.

Việc học ở trường là quan trọng, nhưng thật tệ là khi ra trường, nếu chúng ta bị “sốc thực tế” thì cho dù có ôm kiến thức nhiều cỡ nào, rất dễ khiến các em bị “hạ gục” mà bỏ cuộc ngay từ khi chưa kịp theo nghề. Vậy nên, giải pháp đầu tiên cho các em sinh viên trường báo và chính bản thân các trường đang đào tạo nghề báo là phải cho các em sớm tiếp xúc được với nghề. Tôi không dám khẳng định rõ thời điểm là năm nhất, năm hai hay năm ba năm tư phù hợp thời điểm để các em đi thực tế, vì nó còn liên quan đến nhiều yếu tố, cụ thể với hoàn cảnh và năng lực cuộc sống của mỗi em; nhưng có một điều chắc chắn là các em đừng đợi đến khi ra trường mới bắt đầu vào nghề. Hãy “tìm cách vào nghề” ngay từ khi còn là sinh viên, thì khi ra trường, may ra các em mới có cơ hội để tự tin đi tiếp và sẵn sàng với những gì đang diễn ra ngoài cánh cổng trường đại học.

Giải pháp thứ 2, Ngự Miêu tôi nghĩ rằng, về phía nhà trường, hãy cố gắng có được những giáo án, giáo trình mà trong đó việc áp dụng thực tế sẽ nhiều hơn là lý thuyết. Hãy biến trường học trở thành một tòa soạn thực sự, để các em ngoài việc học ra sẽ có cảm giác của công việc, của vòng xoáy nhịp độ và các cách thức đang được thực hiện tại các cơ quan báo chí. Có như thế, mới hi vọng khi ra trường, các em không bị “sốc thực tế”.

Cũng là một giải pháp nữa, dù các trường đã thực hiện nhưng chưa nhiều, đó là việc giúp các em kết nối gần hơn, nhiều hơn với các phóng viên nhà báo đang làm việc thực sự. Chỉ có thế, các em mới được va chạm, mới được kể, được dạy được nghe và sau đó là được thực hành mà những điều ở trong trường, đôi khi chính những giảng viên họ cũng chưa từng trải qua.

Đọc thêm:

Ra trường, muốn sớm ổn định thì đừng theo…nghề báo
Trải lòng của nữ phóng viên yêu nghề báo, ngại…lấy chồng!
Muốn có một thanh xuân đúng nghĩa, bạn nhất định phải gặp được 4 người này!

Ngự Miêu tôi là một “kẻ ngoại đạo” trong nghề báo, đến tận bây giờ, ngày hôm nay, kể cả khi đang ngồi gõ bài viết này, tôi vẫn cứ có một nỗi ghen tị, dỗi hờn hoặc tiếc nuối rằng mình vẫn chưa một lần được là sinh viên trường báo, chưa một lần được thực sự được ngồi trên ghế nhà trường học làm báo.

Sở dĩ tôi có cảm xúc như thế, là bởi vì tôi hiểu những kiến thức trong trường học quan trọng vô cùng. Chính vì thế, những gì mà 4 năm Đại học sẽ dạy các bạn sinh viên trường báo là không thể phủ nhận. Bởi thế, khi đọc bài viết này, tôi mong rằng sẽ không có bạn nào hiểu nhầm rằng không cần học Đại học, không cần vào trường mà có thể đi làm báo. Tất nhiên, thực tế thì có nhiều những nhà báo, thậm chí là những nhà báo nổi tiếng, họ chưa một lần biết đến ngôi trường dạy nghề báo nào. Thế nhưng, họ không phải tất cả, cũng không đại diện cho một nguyên tắc nào cả, nên rằng nếu có thể, để có thể bắt đầu nghề báo, bạn vẫn cần được học, được dạy. Và nếu bạn đang là sinh viên ngành báo, trường báo nào đó, thì hãy tự hào và tin rằng bạn đang có được những hành trang rất cần thiết cho sau này với nghiệp cầm bút.

Nhưng, nếu có thể, hãy cố gắng tìm đường để mình được “vào nghề” ngay từ khi còn đang là sinh viên các em nhé.

Tôi có chia sẻ với các bạn sinh viên năm 2 mà tôi mới nhận năm nay để dạy nghề rằng: có thể áp lực của chuyện học hành ở trường, rồi thêm áp lực của công việc sẽ “giết” các em mất; nhưng nếu các em có thể trải qua thì thành quả là có thể nhìn thấy được. Hãy cố gắng để, vài năm nữa khi ra trường, khi bạn bè của mình đang lúng túng ôm bộ hồ sơ đi xin việc, rồi thì làm những công việc như pha trà tiếp nước, đọc bản bông, bóc ghi âm…. của một phóng viên thử việc, thì các em khi ấy đã có cơ hội là một “phóng viên cứng” rồi.

Mọi thứ đều có giá của nó, hôm nay bạn nỗ lực, ngày mai bạn nhận thành quả, thế thôi!

Nhớ theo dõi Fanpagetham gia vào Group để cùng Ngự Miêu tôi trò chuyện và chia sẻ cuộc sống mỗi ngày nhé, các bạn. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này, chúc các bạn Online vui vẻ!

Tôi là NGỰ MIÊU


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.

0 Comments

Leave a Reply

XHTML: You can use these tags: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>