Từ việc Chùa Ba Vàng trưng bày ‘xá lợi tóc Đức Phật’ là vi phạm, nghĩ về 03 bước xử lý khủng hoảng truyền thông


Vào hôm qua (2/1/2024) tỉnh Quảng Ninh cho hay việc chùa Ba Vàng tổ chức rước, trưng bày cho phật tử chiêm bái cái gọi là “xá lợi tóc Phật” chính là hoạt động triển lãm, vì vậy đã vi phạm Nghị định 23/2019 về hoạt động triển lãm. Hoạt động này cũng chưa đúng quy định về chủ thể cũng như thời gian đăng ký theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật này.

Tuy nhiên, dưới góc độ của khủng hoảng truyền thông và nghệ thuật xử lý khủng hoảng truyền thông thì các bạn trong nghề có suy nghĩ như nào về chuyện này hay không?

Đầu tiên, một lần nữa tôi phải khẳng định rằng tôi rất nể cách làm truyền thông của chùa Ba Vàng qua các sự kiện nói chung và cụ thể trong sự kiện tóc xá lợi lần này nói riêng. Họ thực sự đã làm rất tốt, đạt hiệu quả cực kỳ cao cho chiến dịch truyền thông của mình. Tất nhiên, cái gì cũng sẽ luôn có 2 mặt của vấn đề và trong bài viết trước tôi cũng đã phân tích rõ về việc Sự thật “Xá lợi tóc Đức Phật tự chuyển động”: được và mất gì dưới góc độ truyền thông?

Vậy những bạn đang làm nghề trong lĩnh vực về khủng hoảng truyền thông sẽ cần phải chú ý những vấn đề gì từ chuỗi câu chuyện này để có thể rút ra được bài học cho chính mình? Sẽ có 3 vấn đề dưới đây để các bạn tham khảo cho các tình huống và giải pháp xử lý khủng hoảng truyền thông của mình.

Thứ 1, đó là việc ngay sau khi cộng đồng tỏ ra gay gắt và tranh cãi gay gắt về tính xác thực của tóc xá lợi; và khi có thông tin rằng tỉnh Quảng Ninh và Ban tôn giáo sẽ kiểm tra sự việc này, thì ngay lập tức sau đó có thông tin rằng xá lợi tóc đã được “hồi hương” đưa trở về Myanmar.

Điều này có thể thấy, cơ quan chức năng có vẻ như sẽ không có cơ hội để trực tiếp được tiếp cận vật phẩm được quảng bá là xá lợi tóc phật 2.600 năm kia. Và tất nhiên, khi không được tận mắt thấy thì cũng chẳng có cơ sở nào để xác định rằng đó là hàng thật hay hàng giả. Điều này, trong nghệ thuật xử lý khủng hoảng truyền thông được gọi là “nói có sách nhưng mách không có chứng”.

Và tất nhiên, khi không có ai kết luận được sự đúng sai, thì mọi đồn đoán vẫn chỉ được cho là suy nghĩ của các cá nhân. Chùa Ba Vàng vẫn tự tin rằng họ không vướng vào bất kỳ một sự gian dối nào cả về xá lợi tóc phật mà họ đã tuyên bố.

Thứ 2, cũng ngay sau đó, khi được Giáo hội yêu cầu chùa Ba Vàng và đại đức trụ trì gỡ bỏ ngay tất cả các giới thiệu về xá lợi tóc Đức Phật ở chùa Ba Vàng trên các trang thông tin của chùa và của đại đức Thích Trúc Thái Minh, cũng như các trang mạng xã hội.

Lúc này, kể cả khi sự thật có như thế nào đi nữa, thì các nội dung thông tin về sự việc được chủ thể là chùa Ba Vàng đã đăng tải đều đã biến mất. Và họ tự tin hơn bởi việc gỡ bỏ thông tin này là được cơ quan chức năng, tổ chức có liên quan yêu cầu gỡ chứ không phải họ tự gỡ do thông tin sai hoặc không đúng sự thật. Trong nghệ thuật xử lý khủng hoảng truyền thông, điều này tương tự như một hình thức tẩy trắng hợp pháp.

Thứ 3, và cái kết cuối cùng đó là vào ngày hôm qua (2/1) tỉnh Quảng Ninh đã kết luận chùa Ba Vàng có vi phạm. Nhưng là kết luận rằng chùa vi phạm quy định về việc tổ chức hoạt động triển lãm và nếu có thì việc này sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Nghĩa là, đã không có bất kỳ kết luận nào về việc xá lợi tóc là thật hay giả và chùa Ba Vàng có sai phạm hoặc gian dối gì không?

Như vậy có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, chùa Ba Vàng và câu chuyện về xá lợi tóc Phật 2.600 năm vẫn là một câu chuyện gây ra nhiều tranh cãi. Nhưng vẫn không có hoặc chưa có bất kỳ kết luận nào về việc đúng sai hay có hành vi lừa đảo tâm linh nào ở đây không. Và như thế, chùa Ba Vàng vẫn đang rất an toàn kể cả về nguy cơ khủng hoảng truyền thông hay khủng hoảng pháp lý.

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Tôi đánh giá cao “nước đi” này, vì dưới góc độ của nghệ thuật xử lý khủng hoảng truyền thông, thì việc mà một chủ thể bị dư luận tranh cãi, quy kết cho một sai phạm nào đó. Thì sau đó, xuất hiện một cái kết luận, một cái xử phạt vi phạm chủ thể đó gần như một chiêu thức có thể giúp xoa dịu cơn giận dữ của dư luận, giúp nguôi ngoai và sẽ giảm dần đi sự quan tâm, tranh cãi. Và quan trọng nhất, khi đưa ra kết luận sai phạm thì sai phạm đó tuyệt đối không phải là vấn đề mà dư luận quan tâm, mà chỉ được phép có tính liên quan. Việc này sẽ giúp cho chủ thể không bị tấn công truyền thông, không bị tấn công bởi các diễn biến phát sinh sau kết luận.

 

Tóm lại, câu chuyện chùa Ba Vàng và xá lợi tóc phật dù bản chất câu chuyện như nào thì tôi và chúng ta sẽ không bàn tới. Tuy nhiên, qua câu chuyện lần này, tôi nghĩ những người đang học, đang làm nghề và trong lĩnh vực xử lý khủng hoảng truyền thông cần coi đây như một ví dụ tham khảo để có thể rút ra được nhiều kiến thức cho cá nhân. Từ việc xây dựng chiến dịch truyền thông, tạo cao trào truyền thông và  sau đó thì xử lý khủng hoảng truyền thông bằng 03 bước tương tự.

Nhà báo NGỰ MIÊU
Người có các lớp học Đào tạo về Khủng hoảng truyền thông


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.