“Ranh giới” và nỗi sợ lớn nhất trong nghề báo – của tôi!


2h đêm, tôi bất ngờ bị mất ngủ sau khi đọc được một loạt các bài viết phản biện về phóng sự “Ranh giới” của VTV đặc biệt. Bỗng dưng, tôi chạnh lòng, rồi thì buột miệng hai từ “ranh giới”. Hóa ra, cái đáng sợ nhất trong cái nghề mà tôi đang theo, vốn dĩ nó đơn giản chỉ bởi hai từ “ranh giới”.

Xin được nói qua một chút về phóng sự “Ranh giới” của VTV – đạo diễn Tạ Quỳnh Tư. Tối ngày 9/9/2021, VTV phát sóng phóng sự đặc biệt mang tên “Ranh giới” tại đây. Như cảm nhận của cá nhân tôi, và nhiều người thì phóng sự ấy thực sự xúc động, lấy đi nước mắt của người xem và lột tả được những cảm xúc chân thực về tính mạng con người và sự vất vả hi sinh của đội ngũ y bác sỹ khi chống chọi với những hậu quả của dịch Covid 19. Chỉ sau khi phát sóng một thời gian ngắn, có rất nhiều bài viết nói về phóng sự này, hầu hết là sự ca ngợi tích cực dành cho phóng sự và ekip làm chương trình, cùng với lượt xem và sự chia sẻ phóng sự rất lớn. Rất nhiều những nhà báo, phóng viên khác của các cơ quan báo chí khác cũng đăng bài viết lên mạng xã hội để góp phần truyên tải đi những thông điệp ý nghĩa ấy.

Nhưng, chỉ qua ngày hôm sau, tức là sang ngày 10/9/2021, tôi bắt đầu thấy nhiều những bài viết “phản biện” lại phóng sự ấy. Họ đánh giá, thậm chí là phê bình về cách làm phóng sự của ekip, trong đó tập trung vào một số vấn đề chính như việc ghi lại thời khắc của người sắp ra đi vì dịch bệnh, người chấp nhận bỏ đứa con trong bụng trước ranh giới của sự sống và cái chết, việc ghi hình cận cảnh, tả thực và không làm mờ nhân vật…. Tựu chung lại là họ muốn nhắc đến sự nhân văn ngược được tạo ra từ chính điều mà chúng ta vẫn đang lan tỏa rằng, đó là nhân văn… Ngày hôm nay, tôi đọc được khoảng hơn 10 bài viết về tính phản biện như thế, trong đó đến 80% là các bài viết được đăng tải bởi…các phóng viên, nhà báo.

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Phóng sự “Ranh giới” của VTV được đăng phát tối ngày 9/9/2021 – nguồn ảnh Internet

Điều làm tôi cảm thấy hoảng hốt nhất đó là, tôi đọc những bài ấy, tôi thấy họ nói cũng đúng chứ chẳng sai. Nghĩa là, tôi của khi ấy bất chợt trở nên vô thức khi thấy rằng cả 2 chiều dư luận đó đều đúng….

Thú thực, tôi giật mình và bỗng thấy lo sợ. Bỗng dưng, tôi chạnh lòng, rồi thì buột miệng hai từ “ranh giới”. Hóa ra, cái đáng sợ nhất trong cái nghề mà tôi đang theo, vốn dĩ nó đơn giản chỉ bởi hai từ “ranh giới”.

Hóa ra, cái nỗi sợ đầu tiên của những người làm báo là cách nhìn, cách hiểu của người viết, người nghe, người xem về những bài báo, những phóng sự hay thước phim mà chúng ta tạo ra. Bởi mọi thứ truyền tải hóa ra đều rất mong manh giữa hai ranh giới: đúng và sai. Những nội dung ấy, hóa ra nó bị quy chiếu bởi quá nhiều những khái niệm, nhận định xuất phát từ nhiều cơ sở. Ví dụ như: truyền thống, văn hóa, lịch sử, vùng miền, tôn giáo…và cuối cùng là phạm trù của pháp luật.

Nghĩa là, một bài báo, hoặc đôi khi chỉ là một cụm từ trong bài báo đó (xin gọi chung là bài báo để chỉ các tác phẩm báo chí, truyền hình – sản phẩm của những phóng viên, nhà báo) đều mong manh đứng giữa những ranh giới của đúng và sai (hoặc chí ít cũng là nên hoặc không nên).

Rồi thì ở thời điểm hiện tại, khi mạng xã hội lên ngôi, những trào lưu, xu hướng theo cảm xúc, theo số đông trên mạng xã hội, theo những định hướng ngầm… thì những bài báo của chúng tôi lại thêm một lần nữa luôn phải đối mặt với ranh giới của đúng và sai, nên và không nên. Ví dụ, một bài báo phán ánh về vấn đề A khi vấn đề đó làm ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống của con người. Thông thường thì bài báo ấy sẽ nhận được sự đồng tình, cổ vũ từ bạn đọc (xin được dùng từ bạn đọc để nói chung cho các vài trò khác tương đương bạn đọc như: độc giả, thính giả, khán giả….). Thế nhưng, chỉ cần vấn đề ấy được ai đó hoặc những ai đó muốn định hướng theo một nghĩa khác, và họ có khả năng hô hào đám đông quan tâm đến cái định hướng ấy, thì rất có thể, chỉ sau 1 đêm, anh nhà báo mới tối hôm qua được cảm ơn, được ca ngợi thì sáng hôm sau đã trở thành một tội đồ với thuyết âm mưu rằng hại doanh nghiệp, truyền thông bẩn hay là mục đích không trong sáng khi viết bài báo đó.

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Một cảnh quay trong phóng sự “Ranh giới” của VTV – nhiều người cho rằng ekip không che mặt (làm mờ mặt nhân vật) là điều không thể chấp nhận. Nguồn ảnh Internet

Người ta nói nghề báo là nghề nguy hiểm, tôi cũng đã phải thừa nhận rằng nó là nghề nguy hiểm. Nhưng ít ai biết rằng, nguy hiểm của cái nghề này đâu chỉ là phải đợi đến lúc đi điều tra, đi phản ánh, đi trèo sông lội suối mới là nguy hiểm? Hóa ra, nguy hiểm lớn nhất, cũng là tận cùng của sự đớn đau nhất đó chính là nguy hiểm khi đứng giữa cái ranh giới của câu chữ, của đúng sai, của nên và không nên đó.

Tôi đã từng rất nhiều lần nói chuyện với các em trong nghề của mình rằng, hãy suy nghĩ và cân nhắc thật nhiều trước khi vào nghề báo. Bởi đây là cái nghề cho con người ta rất nhiều thứ, trong đó lớn nhất là sự hiểu biết, quan hệ cuộc sống, kiến thức và trải nghiệm nhiều cũng như những uy tín nhất định trong cuộc sống. Nhưng ngược lại, nghề báo nguy hiểm và mong manh rất nhiều giữa những ranh giới của sự “thiện” và “ác”, “tử tế” và “khốn nạn” hay làm “ông” hoặc làm “thằng”…

Có không ít những người làm báo đã vướng vòng lao lý khi làm sai các quy định của pháp luật. Cá nhân tôi cho rằng, 90% trong số họ là “không oan” và họ buộc phải trả giá cho những phút “mềm lòng mà thay đổi” của họ. Nhưng, tôi cũng biết nhiều trường hp và tin rằng có ít nhất là 10% trong số những con người vướng vào “tù tội” ấy, họ có những nổi khổ riêng của họ, nghĩa là họ “đáng thương” nhiều hơn là “đáng trách”. Thực sự, có rất nhiều việc, nhiều vấn đề, nhiều “nỗi lòng” mà những người không ở trong nghề thì sẽ không bao giờ hiểu được “nỗi khổ” của những người làm báo bị lao lý ấy…

Thế rồi, tôi cũng từng nói với các em trước khi vào nghề, về rất nhiều những thiệt thòi, những thăng trầm, những vật lộn với nghề mà khi còn ngồi trên ghế nhà trường các em không bao giờ được dạy, được học hay được biết. Tôi không biết các đồng nghiệp nghĩ như nào, nhưng cá nhân tôi thấy nghề báo là nghề mà gột rửa con người ta rất nhiều. Có những người vốn mềm yếu thì nghề báo cho họ sự bản lĩnh đi qua tất cả. Có những người vốn thẳng thắn nhưng nghề báo vô tình giúp họ trở nên vòng vo yếu mềm. Theo được nghề là tốt và nên theo, nhưng trước khi theo các em phải xác định mình có thể “bị biến” thành một con người hoàn toàn khác đấy – đôi khi tôi vẫn nhắc nhở các em trong nghề của mình, như vậy. Tất cả thì, đó đều là những ranh giới, và việc có thể ở bên nào hay bị xô đẩy về bên nào, điều đó khó ai có thể nói trước, khó có thể nói mạnh được – kể cả tôi. Cái ranh giới đó, ngẫm mà thấy nó ác liệt đến vô chừng…

Rồi nhiều lắm, để mà kể ra thì nghề báo còn nhiều thứ được gọi là “ranh giới” lắm, nhất là khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì những thứ “ranh giới” dành cho những người làm báo cứ mỗi ngày một dày thêm rất nhiều.

Có những cảm xúc thực, những suy nghĩ thực, những trăn trở thực của những người làm báo, người ngoài không hiểu được. Và thường thì họ đều phải chấp nhận sự ác liệt đó, tự bản thân tìm đường đi qua những ranh giới đó theo lựa chọn riêng của mỗi người. Kể cả khi, thứ ranh giới họ đang đối mặt lại đến từ chính những người mà họ gọi là đồng nghiệp. Thế nhưng, đúng hay sai trong những lần như thế đều khó có thể xác định khi mà cả hai bên của ranh giới ấy dường như đều đúng và đều sai. Như chính câu chuyện về phóng sự đặc biệt “Ranh giới” của VTV lần này.

Nhớ theo dõi Fanpage và tham gia vào Group để cùng Ngự Miêu tôi trò chuyện và chia sẻ cuộc sống mỗi ngày nhé, các bạn. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này, chúc các bạn Online vui vẻ!

Tôi là NGỰ MIÊU


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.

0 Comments

Leave a Reply

XHTML: You can use these tags: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>