Cái sai trong giáo dục: Giáo viên chủ nhiệm bêu tên học sinh vi phạm?


Sáng nay, tôi vừa đọc xong bài báo với tựa đề Giáo viên chủ nhiệm bêu tên học sinh vi phạm nội quy lên nhóm phụ huynh trên báo Dân Trí. Đọc xong, tôi nhận ra rằng, có rất nhiều lý do dẫn đến sự phức tạp xung quanh vấn đề giáo dục của ngày nay. Và điều quan trọng nhất là, chúng ta cần hiểu được đâu mới đúng là Cái sai trong giáo dục: Giáo viên chủ nhiệm bêu tên học sinh vi phạm?

Bạn có thể theo dõi nhiều nội dung tương tự hơn trên Tiktok Nhà báo Ngự MiêuTiktok Nhà báo Xuân Thời hoặc kênh Youtube khủng hoảng truyền thông.

Tự nhiên, những hồi ức tuổi thơ ùa về, của tôi và đám bạn học trò ngày xưa.

Mời bạn theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Tôi học cấp 1, cấp 2 là những năm 1992 – 2001, tất cả đều ở trong môi trường giáo dục của ngày xưa, những ngôi trường cũng thấp nhỏ, còn đơn sơ chứ không có được khang trang đầy đủ như bây giờ.

Hồi ấy, tôi không phải là một học sinh cá biệt, cũng không phải người quậy phá hay đội sổ gì. Nhưng tôi cũng chẳng phải là học trò ngoan, nghĩa là cũng nghịch ngội đủ thứ trên giời dưới biển.

Từ đổ mực ra bàn, xé vở, không làm bài tập, không đeo khăn quàng đỏ, trốn học trốn tiết… có đủ cả. Chưa từng bị bêu tên trên toàn trường, nhưng cứ họp cuối tuần, bị cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở, phê bình cũng là chuyện….thường xuyên.

Nhất là hồi cấp 1, ngày ấy thế hệ chúng tôi có 1 khái niệm cho chuyện bị phạt là “đi vệ sinh lao động”. Nghĩa là, các bạn vi phạm nội quy, hoặc mắc tội gì đó trong học tập là sẽ bị tham gia một (thậm chí là nhiều hơn 1) buổi vệ sinh lao động.

Vệ sinh lao động là việc mà nhóm học sinh sẽ phải đến trường, quét dọn sân trường, lau dọn bàn ghế, hoặc làm việc gì đó trong khuôn viên nhà trường. Điều “sợ nhất” đó là việc phải đi “dọn nhà vệ sinh cơ”.

Ôi giời ơi, cái nhà vệ sinh ngày ấy là loại lộ thiên, tập trung chứ đâu có phải nhà vệ sinh như bây giờ? Cái mùi nó ngập ngụa cả một khu, rác rưởi bị ném tung tóe nhìn thôi đã thấy ớn. Thế là, nhóm học sinh bị phạt luân phiên nhau múc nước, mang vào dội và dùng chổi rễ để kì cọ cho sạch. Nói chung, mỗi lần bị phạt như thế, đứa nào cũng thấy ớn. Thế nhưng, sợ lúc ấy thôi, hôm sau lại nghịch ngội, lại vi phạm như thường và lại bị ăn phạt đi dọn vệ sinh lao động lần nữa.

Ấy, cứ vậy thôi mà thế hệ chúng tôi đi qua những năm tháng học trò đầy bão tố như thế.

Nhưng, điều đặc biệt là ngày ấy, không một phụ huynh nào “gào lên rằng” như thế là làm ảnh hưởng hay xúc phạm con họ; cũng chẳng có những đơn từ khiếu nại này kia kiểu đó.

Thậm chí, những ông bố bà mẹ đều tự giác chuẩn bị cả xô, chậu, chổi rễ cho con mang đi lao động ở trường. Lắm bạn quậy quá, nhưng vớ phải giáo viên chủ nhiệm dễ tính nên không bị phạt kiểu đó thì phụ huynh còn chủ động đề nghị “cô cho cháu nó đi làm cho nó chừa”.

Đấy, hình thức mà với riêng tôi là bị phạt nặng lắm hồi học trò, chứ cái chuyện bị bêu tên trong lớp học, bị nhắc nhở trong cuộc họp phụ huynh, hay bị bắt lên đứng trước toàn trường trong giờ chào cờ đầu tuần – nó bình thường lắm. Ngày ấy, tuyệt nhiên không có ai thắc mắc, phản ứng hay khiến kiện khiếu nại gì cả.

Thế mà, chúng tôi cũng lần lượt ra trường, cùng bỏ áo học trò để khoác vào mảnh áo cuộc đời. Có rất nhiều quan chức cấp cao ngày nay thuộc thế hệ 8x chúng tôi. Những người đang đóng vai trò chủ doanh nghiệp lớn, doanh thu hàng nghìn tỷ cũng đa phần là những người thế hệ 8x chúng tôi. Các bác sỹ, giáo viên, kỹ sư, tiến sỹ của bây giờ cũng là những cô cậu học trò 8x năm nào. Tôi dám cá là, nhiều người trong số họ ngày xưa, cũng bị phạt đủ kiểu chứ không phải ai cũng là học trò ngoan giỏi của ngày xưa. Thế mà họ cũng nên người, cũng thành tài.

Nhưng bây giờ thì khác!

Hơi một chút là người ta tố, người ta xừng cồ lên đòi “bảo vệ con em họ”. Tôi không nói tất cả sự việc, bởi vì bảo vệ con em mình là quyền lợi chính đáng của chúng ta, chúng ta phải lên tiếng khi thấy con em mình bị xâm phạm sự an toàn, đặc biệt sự an toàn trong giáo dục.

Nhưng liệu việc cô giáo chủ nhiệm nhắc tên các bạn vi phạm nội quy lớp trong nhóm chat của phụ huynh thì có thực sự là một sự việc căng thẳng, có thực sự có đang xâm phạm đến an toàn giáo dục cho con em chúng ta không?

Mỗi người sẽ có một lý do để biện minh cho hành động của họ, và sau tất cả thì chúng ta đều lấy lý do chung là bảo vệ con em mình. Nhưng nói thật, không phải đâu, đó là chúng ta đang chạy trốn chính bản thân. Chúng ta ngại, chúng ta xấu hổ trước phụ huynh khác khi con em mình chưa tốt. Vì thế, chúng ta “xù lông” lên đòi bảo vệ con em mình nhưng thực ra chúng ta đang bảo vệ cái tôi cá nhân, cái sỹ diện hão cá nhân mà thôi.

Nếu mọi thứ cứ lặp lại như vậy, thì người đang xâm phạm vào sự an toàn giáo dục cho con em chúng ta chính là chúng ta – những người làm bố làm mẹ – chứ không phải là ai khác đâu. Hãy để con cái của chúng ta lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ và nhà trường, nhưng cũng cần để con em chúng ta học được lối sống kỷ luật và biết chịu trách nhiệm về hành động của mình ngay từ khi còn ở trong nhà hay đến trường.

Nếu không, bạn đang biến con mình trở thành một “vật bất khả xâm phạm”, và sau này đời không dạy được con bạn, và chính bạn cũng không dạy được con mình đâu. Hãy là những bậc cha mẹ có cách dạy con thông thái!

Nhà báo NGỰ MIÊU
Người có các lớp học Đào tạo về Khủng hoảng truyền thông


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.