Vận động học sinh xem phim “Đất rừng phương Nam” – Nghĩ gì về ảnh hưởng truyền thông đến giáo dục?


Trường THCS Đồng Khởi (Quận 1, TP.HCM) có thư ngỏ đề nghị cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm bằng việc xem phim “Đất rừng phương Nam” với kinh phí 80.000 đồng mỗi em. Điều này gây bức xúc phụ huynh cũng như là phần lớn những phản ứng gay gắt của cộng đồng mạng. Nhất là khi bộ phim này đang là đề tài bàn tán của thời điểm hiện tại trong các lùm xùm nghi vấn về thông điệp của phim. Vậy, từ câu chuyện vận động học sinh xem phim “Đất rừng phương Nam” này – dư luận sẽ nghĩ gì về ảnh hưởng truyền thông đến giáo dục?

Sáng 16/10/2023 cộng đồng mạng xôn xao thông tin về bức thư ngỏ của Trường THCS Đồng Khởi (quận 1, TP.HCM) với nội dung nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm tích hợp liên môn cho học sinh khối 8,9 bằng hình thức xem phim “Đất rừng phương Nam”. Chi phí học sinh cần đóng góp cho việc đi xem phim này là 80.000đ.

Sau khi cộng đồng mạng và phụ huynh phản ứng gay gắt, thì chiều cùng ngày, Trường Trung học cơ sở (THCS) Đồng Khởi đã tổ chức họp báo giải thích về câu chuyện này và công bố việc dừng vận động cho đến khi có sự đồng thuận của phụ huynh.

Để bàn về câu chuyện này trong lĩnh vực truyền thông và góc nhìn về giáo dục, cá nhân tôi có một vài suy nghĩ như thế này. Trước hết, tôi nghĩ, việc cho cá em học sinh đi xem bộ phim “Đất rừng phương Nam” là rất phù hợp, rất ý nghĩa nếu nó được thực hiện theo đúng tư tưởng của giáo dục. Bởi vì, một bộ phim truyền tải được nhiều thông điệp về lịch sử, về người dân Nam Bộ và đặc biệt là lòng yêu nước, thì cho học sinh xem những bộ phim này là hoàn toàn nên làm; đó cũng là một cách học.

Thế nhưng, phải nhắc lại một lần nữa là: thế nhưng!

Nếu các hoạt động này được tổ chức miễn phí, nói trắng ra là đừng thu tiền của học sinh thì hoạt động đi xem này mới được coi là ý nghĩa giáo dục.

Thứ 2, như chúng ta đã biết, bộ phim “Đất rừng Phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng và nhà sản xuất chính, kiêm diễn viên là Trấn Thành đang là đề tài của nhiều những bàn tán, lùm xùm, và thậm chí là khủng hoảng truyền thông trong thời điểm này. Có quá nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng của bộ phim này, thậm chí còn có những nghi vấn liên quan đến thông điệp của bộ phim. Thế nhưng, phải thừa nhận rằng mọi thứ chỉ là nghi vấn và lời bàn tán, còn sự thật thì chưa có cơ quan nào công nhận điều đó cả. Thế nhưng, tại sao khi bộ phim thậm chí còn chưa chính thức ra rạp, bộ phim đang gây nhiều tranh cãi, lại chọn nó trở thành một hình thức giáo dục trải nghiệm?

Tôi nghĩ, hành động này có những điều đáng nghi vấn trong sự trong sáng, minh bạch của những người lên ý tưởng tổ chức việc này. Tất nhiên, tôi cũng chỉ nghi vấn theo suy nghĩ cá nhân tôi, nhưng điều tôi khó hiểu nhất vẫn là tại sao họ lại chọn bộ phim này – giữa thời điểm nhạy cảm này và khi bộ phim chỉ còn 2 ngày nữa chính thức ra rạp, để làm lên sự kiện này?

Có khi nào người ta mượn điều này để coi như một concept của truyền thông bằng hình thức khủng hoảng truyền thông hay không? Tôi không biết, không dám khẳng định. Nhưng dù sao, với tư cách là một người dân bình thường, với tư cách là một phụ huynh cũng có con đang đi học trung học cơ sở, tôi nghĩ rằng, việc mà trường THCS Đồng Khởi đã vận động và đang định yêu cầu học sinh phải đi xem bộ phim này thực sự là một việc làm hồ đồ. Nó không hề tốt cho giáo dục như chính lời mà họ đang giải thích.

Nhà báo NGỰ MIÊU
Người có các lớp học Đào tạo về Khủng hoảng truyền thông


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.