Muốn làm phóng viên phải biết làm… nhân viên sale!


Nghề sale là nghề bán hàng, nhân viên sale là nhân viên bán hàng, và bây giờ, ở nhiều cơ quan báo chí, các phóng viên họ kiêm luôn là những nhân viên sale của tờ báo đó.

Bạn có thể theo dõi nhiều nội dung tương tự hơn trên Tiktok Nhà báo Ngự MiêuTiktok Nhà báo Xuân Thời hoặc kênh Youtube khủng hoảng truyền thông.

Để có thể chính xác hơn cho sự so sánh sẽ khiến nhiều người bất ngờ như vậy, tôi lại lạch cạch gõ tìm các thông tin, khái niệm về nghề sale trên internet. Và dưới đây là kết quả:

Trong lĩnh vực kinh doanh, nhân viên Sale hay bộ phận Sale thường không thể thiếu trong bất kỳ doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh nào. Sales là vị trí bán hàng cho doanh nghiệp. Nhân viên Sales có nhiệm vụ tiếp xúc trực tiếp với khách, tư vấn giúp khách hàng lựa chọn được những sản phẩm – dịch vụ phù hợp, cũng như giải đáp các thắc mắc về sản phẩm dịch vụ, thuyết phục khách mua hàng giúp tăng doanh thu cho công ty. Do đó, mỗi nhân viên Sales được coi là bộ mặt của cả công ty. Nếu bạn là đơn vị kinh doanh, Sales lại càng là bộ phận quan trọng giúp thúc đẩy doanh thu cho công ty và chắc chắn không thể thiếu trong toàn bộ quy trình cũng như chiến lược tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Và ở một giới hạn nào đó, ở một khái niệm gần đúng nào đó, tôi bỗng giật mình nhận ra rằng, phóng viên (nhà báo) của nhiều cơ quan báo chí bây giờ, ngoài công việc chính là tác nghiệp, viết bài thì họ còn có một vai trò (cũng như là trách nhiệm) cũng… chính không kém – đó là “bán hàng”.
Nói là bán hàng thì hơi thô và có vẻ chưa chuẩn lắm, đúng ra thì những cái mà nhiều phóng viên bây giờ đang “bán” là những hợp đồng tuyên truyền truyền thông, hợp đồng quảng cáo. Đó là những “mặt hàng” của hầu hết các cơ quan báo chí, thì ví von rằng các phóng viên đang đi mời gọi (hoặc tìm cách để có được những hợp đồng truyền thông, quảng cáo) có lẽ cũng chẳng phải là không đúng.

Thường thì các cơ quan báo chí, dù to dù nhỏ, họ đều sẽ có một phòng ban hoặc bộ phận chuyên trách của vấn đề này. Có nơi thì gọi đó là phòng/ban chuyên đề; nơi thì gọi là phòng/ban truyền thông; nơi thì gọi là phòng/ban kinh tế; nơi thì gọi là phòng/ban phát hành xuất bản; mỗi nơi gọi một kiểu tuỳ sự phù hợp. Nhưng chức năng chung của các phòng/ban đó là khai thác thị trường truyền thông, khách hàng và các đối tác truyền thông. Ngoài các phòng/ban đó ra, thì các phòng ban khác được hiểu là các bộ phận làm chuyên môn, sẽ không liên quan đến hoạt động “làm kinh tế” của cơ quan báo chí. Đó là chuyện bình thường từ xưa đến nay.

Nhưng, ở thời điểm hiện tại, từ khi mà hầu hết các cơ quan báo chí đã chuyển sang mô hình tự chủ (tự thu tự chi); thì có rất nhiều các cơ quan báo chí họ đã buộc phải thay đổi lại cách làm. Và trên thực tế, ở rất nhiều cơ quan báo chí ngày nay, ngoài các phòng/ban chuyên trách cho việc làm kinh tế, khai thác quảng cáo, thì đại đa số các phóng viên/nhà báo trong cơ quan đó đều sẽ buộc hoặc cần phải tham gia vào vai trò “bán hàng” ở một góc độ nào đó, khía cạnh hoặc khái niệm nào đó.
Tôi biết khá nhiều các cơ quan báo chí ở thời điểm hiện tại, khi buộc phải hoà nhập vào xu thế phát triển chung, sự tự chủ của các đơn vị báo chí là nền tảng, thì 100% nguồn thu chi của họ đều buộc phải trông chờ vào nguồn khai thác quảng cáo, bằng nhiều cách khác nhau.

Có không ít cơ quan báo chí đã và đang cắt dần hoặc giảm đến tối đa nguồn thu nhập chính cho các phóng viên/nhà báo của họ. Thậm chí, không ít nơi các phóng viên/nhà báo họ đã không có lương (cứng), thậm chí nhuận bút viết bài còn èo uột rẻ mạt, phụ thuộc vào view (lượt xem trên các bài điện tử) thậm chí là không có cả nhuận bút.

Vì thế, các phóng viên nhà báo họ cũng bị đối mặt với áp lực cuộc sống mưu sinh, cơm áo gạo tiền. Làm nghề báo ngay nay, rất nhiều người đã hiểu rằng công việc chính của họ không phải chỉ là viết bài hay tác nghiệp, mà họ còn phải biết cách kiếm tiền nữa. Mà kiếm tiền thì chỉ có trông chờ chính vào hoa hồng (%) các hợp đồng kinh tế, các hợp tác tuyên truyền, truyền thông quảng cáo là chính chứ có mấy ai có các nguồn thu khác bên ngoài?

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Phóng viên ngày nay ngoài việc tác nghiệp viết bài, họ còn cần biết làm một … nhân viên sale (Ảnh minh hoạ)

Và thế là, họ buộc phải xoay sở với bài toán về kiếm tiền. Từ đó, hoạt động tác nghiệp báo chí dần có những sự thay đổi. Thay đổi tích cực cũng có, nhưng phát sinh ra các vấn đề tiêu cực cũng khó. Và, dù là tích cực hay tiêu cực, thì quả thực, nhiều những người làm báo ngày nay, họ đang rất chật vật trên cái hành trình làm nghề của mình.

Nghề sale là nghề bán hàng, nhân viên sale là nhân viên bán hàng, và bây giờ, ở nhiều cơ quan báo chí, các phóng viên họ kiêm luôn là những nhân viên sale của tờ báo đó. Ngẫm cho kĩ thì thấy rằng ví von vậy đúng chẳng quá đáng chút nào. Thậm chí, tôi đã dự nhiều những cuộc họp ở một số cơ quan báo chí, và nội dung chính của cuộc họp cũng chỉ xoay quanh chuyện làm sao để “ra kinh tế báo chí”; làm sao để “có những hợp đồng”. Và trong vấn đề đánh giá năng lực công việc của các phóng viên, nhà báo, chẳng biết từ bao giờ, nhiều nơi coi “doanh thu/doanh số” của phóng viên đó trong tháng, trong quý là thước đo để coi là “một nhà báo giỏi”.

Chuyện này thực ra không sai, nó chỉ là sự phát triển tất yếu, và những người trong cuộc buộc phải hoà nhập được với sự thay đổi để phát triển, như bao lĩnh vực ngành nghề khác mà thôi. Chỉ là, quả thực, đôi khi ngồi nghĩ, ngồi ngẫm mà thấy tủi, thấy thương cho chính mình và các đồng nghiệp.

Ngày xưa, họ cứ nói rằng nghề báo là cái nghề để đi và viết, để thăng trầm, để cống hiến, để gồng gánh niềm tin cho các định hướng và thông tin đến công luận. Nhưng ngày nay, cũng những điều đó, nhưng quả thực, có một lượng không nhỏ các phóng viên nhà báo, họ đang buộc phải (hoặc cần phải) trở thành những “nhân viên sale) trong chính cái nghề báo của mình. Bởi vì, nếu không vậy, thì làm sao có thu nhập, làm sao có nguồn thu để mà lo cho cuộc sống, lo con cái, lo cơm áo gạo tiền?

Có nhiều những cơ quan báo chí ngày nay, họ đang buộc phải “giao chỉ tiêu” về kinh tế báo chí cho các phóng viên, nhà báo của họ. Nghĩa là, ông viết gì, bà viết gì, ông là nhà báo hay bà là phóng viên, cậu là người kỳ cựu hay cô đang thử việc.. thì cũng như nhau hết, đều có những “chỉ tiêu kinh tế riêng”. Đạt được chỉ tiêu ấy thì coi như là hoàn thành nhiệm vụ, không đạt được chỉ tiêu ấy thì cứ cẩn thận, vài tháng bị như thế có khi là bị đuổi việc không chừng.

Vì thế, các phóng viên nhà báo ấy, trong quá trình tác nghiệp để có tin bài, họ cũng buộc phải “tác nghiệp” để có được “doanh thu kinh tế”. Sự thật thì, đã có một số người, vì nhiều lý do khác nhau, mà họ đã “mất mình” trong hành trình với cái nghề và sự vật vã của chuyện kinh tế.

Quả thực, đôi khi ngẫm về nghề, tôi thấy thương mình và thương các đồng nghiệp ấy. Lắm lúc nghĩ lại mới thấy, gọi chính mình là những “nhân viên sale” có khi còn đỡ tủi, chứ nhiều khi còn bị xã hội chỉ trỏ, chê bai, khinh ghét coi thường thì còn thấy…nhục hơn.

Nhưng thôi, biết làm sao được. Nghề báo cũng như nhiều nghề khác, xã hội thay đổi, tình hình thay đổi, cuộc sống thay đổi thì những người trong đó cũng buộc phải vận động để mà đổi thay thôi.

Buồn thì có buồn, chán đôi khi cũng chán, tủi nhiều khi cũng tủi, nhưng có những lúc bình tĩnh lại, lạc quan hơn lại thấy cái sự “vừa viết báo vừa bán hàng” này, lại hay. Vì chính cái áp lực doanh số đó, đa số các phóng viên nhà báo họ đã buộc phải hoàn thiện bản thân hơn để có thể tồn tại với nghề. Họ buộc phải học cách “bán hàng”, học cách tạo các “quan hệ kinh tế”, học cách marketing “tờ báo” để mời các đối tác truyền thông… Thậm chí, họ buộc phải học cách “tính toán chuyện làm ăn lâu dài” như một người làm kinh doanh thực sự. Nhiều người, học nghề báo, vào làm báo nhưng sau đó nhận ra rằng khả năng làm kinh tế của họ lại giỏi hơn nhiều. Đó cũng có thể coi là một góc nhìn tích cực của cái sự thay đổi này chứ nhỉ?

Nhưng quả thực, nếu được trở lại với cái thời mà nghề báo không quá bị gánh nặng chuyện kinh tế, các phóng viên nhà báo được sống và làm việc với đúng cái nghĩa của người cầm bút thì thấy đời an nhiên hơn nhiều. Chứ như hiện tại, quả thực, nhiều khi mệt mỏi lắm, áp lực lắm. Cũng không ít người vì thế mà “tay nhúng chàm”, nhiều người đã bị thay tính đổi nết, con người và đạo đức của họ bị thay đổi rồi…

Nghề báo bây giờ: Có vui, có buồn, có hoa hồng và có cả nước mắt. Được đi, được viết, được (bị) làm kinh tế như một nhân viên sale đấy!

Tôi là Ngự Miêu


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.