Làm phóng viên nhưng thực ra chỉ là “Content cao cấp”?


Nhiều bạn trẻ đang làm việc, họ cũng được gọi là phóng viên, công việc của họ làm vào giờ hành chính, sáng đi chiều về và thu nhập cũng tương đối ổn định. Nhưng, không nhiều bạn nhận ra rằng, dù được gọi là phóng viên, biên tập viên nhưng thực ra họ chỉ là những người làm “content cao cấp”.

Một số cô cậu là em, là học trò của tôi có đôi khi thắc mắc rằng: có nên xin vào làm việc ở những chuyên trang hoặc những tờ báo/tạp chí điện tử… chuyên khai thác các nội dung giải trí, tin nóng, tin sốc để câu view hay không. Tôi đáp rằng: Nên chứ, lương làm việc ở đó khá cao, mà cũng là phóng viên, cũng được theo nghề.

Để chắc chắn cho nhận định của mình, tôi lại đi tìm những thông tin tuyển dụng phóng viên, biên tập viên được đăng trên internet, trên các trang mạng xã hội… Khá nhiều các kết quả, đa số đều thông báo về mức lương thấp nhất cũng 8-9 triệu, trung bình khoảng 12 triệu. Đây là một khoản thu nhập tương đối ổn định với các bạn làm nghề viết nói chung, làm phóng viên nói riêng ở thời điểm hiện tại. Đặc biệt, với các bạn sinh viên mới ra trường, khoản thu nhập này còn tương đối cao…

Nhưng, điểm chung của hầu hết các thông báo tuyển dụng đó là, họ đều đang tuyển “phóng viên, biên tập viên” về để làm việc ở các công ty, các doanh nghiệp hoạt động (hoặc có hợp tác hoạt động) trong lĩnh vực truyền thông, báo chí là chính; chứ rất hiếm khi thấy được những thông báo tuyển dụng như thế ở (của) một cơ quan báo chí thực sự.

Một điểm chung khác nữa, và cũng là cơ sở để chứng minh rằng họ được tuyển về để làm phóng viên, biên tập viên, đó là: công việc của họ là viết, là quay phim, là chụp ảnh, là dựng hình… những công việc chuẩn 100% các phóng viên, nhà báo họ vẫn đang làm.

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Một mẩu thông tin tuyển dụng được đăng tải trên MXH. – Ảnh minh hoạ 

Ở trong một vài trường hợp, dù họ đang làm việc trực tiếp ở một công ty truyền thông hoặc một doanh nghiệp nào đó, nhưng vì tính liên kết hoặc có sự “bố trí hợp lý” nào đó, mà những bạn đó được gọi là những phóng viên, biên tập viên, thậm chí là nhà báo – một cách chính thống và không ai có thể phản biện nổi. 

Những công việc mà họ đang làm đúng với những gì họ được học, được đào tạo trong trường. Và ở một giới hạn nào đó, cũng có thể thấy vui và mãn nguyện rằng học xong, ra trường, các bạn ấy đã có thể được theo đuổi nghề nghiệp và ước mơ của bản thân trong nghề báo.

Thế nhưng!

Nếu ước mơ, hoài bão của các bạn không chỉ đơn giản là thế, và cái khát vọng, cái lý tưởng về nghề báo của bạn không chỉ dừng lại ở đó thì có lẽ chuyện này cũng cần xem lại. Vì, (như cách nghĩ và cách trình bày cá nhân), thì tôi luôn cho rằng, các bạn đang làm công việc nói trên, dù họ đang được gọi là phóng viên là biên tập viên, nhưng thực chất, các bạn ấy chỉ đang là những người làm “content cao cấp” mà thôi.

Bởi vì, đa phần công việc mà các bạn đang làm (dù cũng là viết, là quay dựng, là chụp hình… như hoạt động tác nghiệp của các phóng viên, nhà báo); nhưng những công việc đó của các bạn, nhiều khi nó được vận hành trong một “hệ thống công nghiệp”. Mục tiêu của họ chỉ hướng đến các kết quả về truyền thông, marketing hoặc nhằm mục tiêu câu like, câu view để giúp định hướng xã hội cho một “chiến dịch truyền thông” nào đó. Chứ không hoàn toàn là họ đang viết những bài báo và đang hoạt động báo chí định hướng xã hội, công tác thông tin truyền thông như đúng tính chất thực sự của nghề báo.

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Một poster tuyển dụng phóng viên website (Nguồn ảnh: Internet) – Ảnh minh hoạ

Phần lớn công việc của họ được setup như một cỗ máy, họ làm việc giờ hành chính, hưởng lương nhuận và các phúc lợi như một nhân viên bình thường. Hoặc nói cách khác là, công việc của họ “ráo mồ hôi là hết tiền”.

Và điều quan trọng nữa là, rất hiếm hoi cơ hội để có thể những bài viết, những “sản phẩm báo chí” mà họ thực hiện tạo ra được hiệu ứng thực sự của một bài báo, và ngay chính bản thân của họ – dù đang được gọi là phóng viên, biên tập viên – cũng sẽ rất khó để xã hội biết đến họ với vai trò là một nhà báo, một phóng viên thực sự.

Nhưng, nếu chúng ta cần một công việc ổn định

Thì đó là lựa chọn mà chính bản thân tôi vẫn hay khuyên các bạn trẻ lựa chọn. Trong bài viết Ra trường, muốn sớm ổn định thì đừng theo…nghề báo  tôi đã từng khuyên các bạn trẻ rằng, một phóng viên mới ra trường đa phần sẽ rất cực khổ để có thể theo được nghề báo ở một cơ quan báo chí như những gì thực tế hiện nay đang diễn ra. Thu nhập của các phóng viên trẻ bây giờ, thực sự không cao và đòi hỏi quá nhiều kĩ năng khác ngoài kĩ năng của chuyên môn. Chính vì thế, nếu mong muốn sớm ổn định cuộc sống, công việc và quan trọng là thu nhập, thì các bạn sinh viên mới ra trường không nên xác định theo nghề báo. Và, những công việc tương tự của một phóng viên, biên tập viên ở các công ty truyền thông, các doanh nghiệp có hoạt động tương tự hoạt động báo chí là một lựa chọn phù hợp cho các bạn ấy.

Còn nếu bạn muốn trở thành một nhà báo thực sự?

Thì lời khuyên của tôi là không nên làm việc ở những nơi như đó, bởi vì cho dù bạn có được gọi là một phóng viên, một biên tập viên thực sự đi chăng nữa thì sự thật bạn sẽ rất rất khó để có một “tương lai trở thành nhà báo”.

Những nhà báo thực sự, khi đạt đến một thành công hoặc sự trưởng thành nào đó trong nghề, thì họ được coi là những người có “tầm ảnh hưởng xã hội”. Trong làng báo nói riêng, trong nhiều các quan hệ xã hội nói chung, họ là những người “ăn được, nói được”, mà lời họ nói (bài họ viết) là có sức ảnh hưởng và (có thể) là thay đổi được rất nhiều điều “tưởng như khó” trong cuộc sống, xã hội, văn hoá, kinh tế và thậm chí là cả các vấn đề về chính trị.

Mà những điều đó, (cá nhân tôi tin rằng) rất khó để có được cơ hội khi các bạn làm việc ở vai trò như bài viết này tôi đề cập tới. Hoặc nói theo cách khác là, cũng là biên tập, cũng là viết bài, cũng là “viết báo”, nhưng nó hoàn toàn là 2 phạm trù khác nhau, vị thế xã hội cũng khác nhau và cơ hội cho tương lai cũng khác nhau hoàn toàn.

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Còn lý do tại sao tôi gọi đó là nghề “content cao cấp” – là bởi vì đó là một công việc tạo ra nguồn thu nhập tương đối ổn định, thậm chí là cao với một số bạn sinh viên trường báo mới ra trường. Còn công việc của các bạn ấy, ở một giới hạn nào đó, trong nhiều hoàn cảnh thực ra đó chỉ là những “bài content” chứ không thể gọi đó là một bài báo được.

Tôi là NGỰ MIÊU


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.