Vụ đưa hối lộ bất thành của Phạm Lãi: ngẫm về thuật dùng người!


Vụ đưa hối lộ bất thành của Phạm Lãi, sự việc khiến cho ông đã không cứu được con khỏi án tử. Câu chuyện này là một tham khảo quan trọng để bạn hiểu hơn về thuật dùng người, và biết cách xử lý tốt hơn trước khủng hoảng truyền thông cũng như nhiều vấn đề khác của cuộc sống!

Bạn có thể theo dõi nhiều nội dung tương tự hơn trên Tiktok Nhà báo Ngự MiêuTiktok Nhà báo Xuân Thời hoặc kênh Youtube khủng hoảng truyền thông.

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Phạm Lãi theo phò vua nước Việt là Câu Tiễn, lập được nhiều công lớn. Sau khi giúp Câu Tiễn đánh thắng Ngô Phù Sai, Phạm Lãi đưa Tây Thi xuôi dòng sông Ngũ Hồ. Sau thời gian phiêu bạt, Phạm Lãi sang sinh sống ở nước Tề và đổi tên họ thành Chu Di Tử Bì. Nhờ tài năng trác việt của mình, Phạm Lãi lại có nhiều thành công trên quê hương mới. Ông nổi tiếng giàu có, đức độ nên vua Tề mời ông làm tướng quốc.

Thế nhưng Phạm Lãi đã quyết định trả ấn tướng quốc, đem tất cả tài sản cho bạn bè, làng xóm, chỉ mang theo những của thật quí, rồi bỏ xứ ra đi đến sinh sống ở đất Đào, và tự đổi tên mình, xưng là Đào Chu Công.

Chu Công ở đất Đào sinh người con út. Khi người con út đã lớn, người con trai thứ hai của Chu Công giết một công hầu nước Sở, đang bị giam, chờ ngày xử tử. Không muốn con bị xử trảm nơi xứ người, Chu Công nghĩ cách dùng tiền để cứu mạng con.

Chu Công lấy một nghìn lượng vàng bọc vào trong túi quần áo vải thô chở bằng xe bò, định sai người con út đi sang nước Sở để cứu anh. Thế nhưng, lúc này người con trai cả của Chu Công đòi nhận nhiệm vụ đó để đi cứu em.. Người con cả nói:

– Con cả trong nhà là huynh trưởng; đảm nhận coi sóc việc nhà. Nay em có tội, cha chẳng sai con, lại sai em út đi, thế con là đứa con hư! Nhục thế này làm sao con sống được.

Người con cả toan tự sát. Tây Thi nói hộ cho người con cả:

– Nay ông sai thằng út đi thì chưa hẳn dã cứu sống được thằng thứ hai, mà trước tiên giết mất thằng cả! Biết làm thế nào?

Chu Công không muốn điều này, vì ông đã tính toán kĩ, và thấy người em Út đi mới là phù hợp. Nhưng trước áp lực của con cả,  cực chẳng đã phải sai người con cả đi.

Ông dặn người con cả rằng, mang tiền vàng và thư của ông sang nước Sở, tìm gặp người tên là Trang Sinh đang làm tướng quốc của nơi này. Ông dặn:

– Khi con đến thì dâng một nghìn lượng vàng vào nhà Trang Sinh, mặc ông ta làm gì thì làm, nhất thiết không được làm thêm bất kỳ hành động nào hoặc tranh cãi lý luận với ông ta trong việc này.

Người con cả nghe cha dặn xong lên đường!

Trang Sinh là tướng quốc nước Sở nhưng tính tình giản dị, nhà ở kề ngoại thành, sống đời thanh bạch nên ngôi nhà nhìn có vẻ rất giản đơn nghèo nàn.. Người con khi đến nơi thấy cảnh đó, trong lòng lấy làm nghi hoặc, không tin là Trang Sinh có khả năng cứu mạng em trai mình. Tuy nhiên, người con cả cũng làm theo lời cha dặn là đưa thư và dâng nghìn lượng vàng.

Trang Sinh nhận thư và nghìn lượng vàng rồi nói:

– Thôi! Anh hãy đi ngay đi! Chớ có ở lại! Dù em anh được tha ra cũng chớ có hỏi tại sao lại được tha. Hãy quay về luôn, cứ yên tâm là em trai nhà ngươi sẽ được cứu mạng!

Người con cả từ biệt Trang Sinh, nhưng không nghe lời mà tìm cách ở lại trong kinh thành, rồi tìm gặp những người quen khác có quan hệ trong triều đình để đưa tiền vàng nhờ người ta giúp đỡ.

Lại nói về Trang Sinh tuy ở một xóm nghèo khổ nhưng cả nước đều nghe tiếng ông thanh liêm chính trực, vua Sở rất tôn trọng và tôn ông làm bậy thầy.

Khi người con trai cả của Chu Công đưa vàng đến, thực ra Trang Sinh không hề muốn nhận tiền vàng, vì ông vốn là người ngay thẳng không tư lợi. Nhưng vì quen biết với Chu Công và cũng muốn giúp Chu Công cứu con, nên ông đành nhận tiền vàng với mục đích để cho người con cả Chu Công yên tâm việc sẽ được giải quyết mà không đi chạy vạy, xin xỏ các nơi khác – tránh việc náo động nhiều nơi nhiều người thành ra khó giải quyết. Trang Sinh định khi xong việc sẽ đưa trả đủ lại số vàng ấy cho Chu Công. Cho nên khi vàng đưa đến, Trang Sinh bảo vợ:

– Đây là vàng của ông Chu. Nhỡ tôi không sống được cách đêm thì thế nào bà cũng đưa trả hộ cho tôi, chớ có đụng đến vàng ấy.

Nhưng con cả của Chu Công không biết ý Trang Sinh, lại còn cho rằng ông ta không có thế lực gì và tự mình đi nhờ vả hỏi han nhiều nơi khác.

Lại nói về Trang Sinh, để cứu được con của Chu Công, Trang Sinh vào diện kiến vua Sở, mà nói:

– Có ngôi sao… mỗ, đóng ở chỗ… mỗ, cái đó hại cho nước Sở…

Vua Sở vốn mê tín và tin  tưởngTrang Sinh, liền hỏi:

– Giờ biết làm thế nào?

Trang Sinh nói:

– Chỉ có cách dùng đức mới trị được nó. Đức Vua nên ban lệnh ân xá cho tất cả các tù nhân bị tội chết…!

– Thầy về nghỉ! Quả nhân sẽ làm theo.

Sau đó, vua Sở thông báo việc niêm phong 3 kho tiền. Lúc này cả kinh thành đều được loan báo tin ấy. Lúc này một người trong triều đình (được người con cả của Chu Công nhờ vả) liền nói với anh ta rằng:

– Nhà vua sấp đại xá.

Người con cả Chu Công hỏi:

– Làm sao biết?

– Mỗi lần nhà vua sắp đại xá thường cho niêm phong ba kho tiền. Chiều qua nhà vua đã sai sứ đi niêm phong.

Người con cả Chu Công nghĩ rằng: nếu nhà vua đại xá thì nghĩa là em mình sẽ bông dưng được thachết, như thế thì dại gì mà phải mất 1 nghìn tiền vàng cho chỗ Trang Sinh? Vì thế anh chàng liền quay lại nhà Trang Sinh:

– Anh chưa về ư?

Người con trưởng nói:

– Thưa vẫn chưa ạ! Trước kia vì việc thằng em, nay thằng em may mắn được hưởng lệnh đại xá, cho nên lại đây chào cụ để về.

Trang Sinh biết ý anh ta muốn lấy lại vàng, liền nói:

– Anh vào nhà trong lấy vàng.

Người con trưởng tự vào nhà lấy vàng ra và vui vẻ ra về vì nghĩ rằng không mất tiền mà cứu được em.

Lúc này, Trang Sinh xấu hổ vì bị mang tiếng oan là đã bị mua chuộc bằng tiền, nhưng lại bị đến tận nhà đòi lại tiền vì không giải quyết được công việc. Bực mình phẫn uất, Trang Sinh liên quay trở lại vào kinh và tâu với vua rằng:

– Tôi trước kia có nói về ngôi sao… mỗ. Nhà vua nói sẽ sửa đức để bổ cứu. Nay tôi ra đường, đâu đâu cũng thấy đồn rằng: Đứa con nhà giàu ở Đào là Chu Công, giết người bị giam ở Sở, nhà nó đem nhiều vàng bạc đút lót cho các quan hầu nhà vua. Nên việc nhà vua không phải vì thương dân nước Sở mà xá đâu, chỉ vì chuyện con Chu Công đó thôi.

Vua Sở cả giận nói:

– Quả nhân tuy có kém đức thật, nhưng lẽ nào lại vì có con Chu Công mà ra ơn.

Vua Sở liền làm án giết con Chu Công trước rồi hôm sau mới ra lệnh đại xá.

Con cả Chu Công rốt cuộc đưa xác em về quê nhà làm tang…

Lúc này, tin giữ báo về cho Chu Công; Tây Thi và người làng đều lấy làm thương xót. Chỉ có Chu Công cười một mình mà rằng:

– Ta đã biết thế nào nó cũng giết em nó! Không phải nó không thương em nó đâu, nhưng có một điều nó không thể chịu nổi. Nó từ nhỏ đã từng chịu khổ cùng ta, thấy việc làm ăn khó khăn nên bỏ của thì tiếc! Trái lại thằng em út nó đẻ ra đã thấy ta giàu. Đứa út chỉ biết cưỡi xe bền, giong ngựa tốt, theo đuổi cầy cáo, nào biết của cải do đâu mà có, cho nên phung phí tiền một cách dễ dàng, chẳng tiếc rẻ gì. Trước đây sở dĩ ta sai thằng út đi chỉ vì nó biết coi thường tiền bạc đó thôi! Thằng cả thì không biết thế, vì vậy mà giết chết em nó. Lẽ đời là thế, có gì đáng xót. Ta ngày đêm vẫn đợi nó đưa đám tang em nó về.

Tây Thi nói:

– Thiếp đã biết ý chàng. Lâu nay chàng đoán việc như thần. Nhưng thiếp cầu mong lần này chàng đoán… không đúng để trời còn dung được đứa con chúng ta. Vậy mà chàng vẫn đoán đúng. Ôi! Cái suy đoán của chàng…

Nhờ xét đoán đúng người, nhận định đúng sự việc mà Phạm Lãi tránh được tai họa như Văn Chủng. Ba lần đổi chỗ ở là ba lần thành danh.

Lời Bàn:

Đáng khen cho Phạm Lãi là kẻ biết người, biết việc. Nhưng chê Phạm Lãi là biết được đường chết, đường sống của con nhưng lại không cứu được con. Xưa nay trong chuyện đút lót mà tiếc tiền thì không làm được. Gặp lúc hoạn nạn, mắc vào vòng lao lý hoặc phải tội chết mà còn đắn đo thì chẳng khác nào kẻ đang bị chết đuối mà lại còn ra giá cho người sắp cứu mình. Như vậy, cái chết là không tránh khỏi.

Ở đây, người con cả không phải sợ mất tiền mà vì cho rằng tiền không đáng mất nên không chịu mất. Anh ta đâu biết rằng pháp luật cũng còn nhiều kẻ hở và biến hóa khôn lường. Để cứu em anh ta, Trang Sinh phải dùng cái thanh liêm, uy tín bấy lâu nay của mình để lừa cho vua Sở đại xá cả thiên hạ. Rõ ràng, phi Trang Sinh thì không ai làm nổi chuyện này. Thế nhưng anh ta nghĩ ngược lại là nhờ đại xá cả thiên hạ mà em anh ta được cứu, nên không đáng tốn tiền cho Trang Sinh. Người con cả thấy Trang Sinh nghèo nên khinh và cho rằng Trang Sinh không có khả năng cứu em anh ta, chứ đâu biết rằng chính nhờ nổi tiếng nghèo, thanh liêm mới cứu được em anh ta. Phạm Lãi không cho người con cả đi là xuất phát từ những nhận định hoàn toàn chính xác. Nhưng tại sao Phạm Lãi không trực tiếp đi để cứu con? Có thể hiểu được là Phạm Lãi không thể đi. Một người giàu có nổi tiếng như Phạm Lãi không thể xuất hiện ở đất Sở lúc này. Chỉ cần Phạm Lãi xuất hiện ở đất Sở thì người ta đồn ầm lên chuyện chạy chọt thì ai còn dám can thiệp cứu giúp con ông ta.

Người con cả đã phạm phải các sai lầm sau đây của người đi đút lót:

– Một là, chạy chọt mà tiếc tiền.

– Hai là, khinh người nghèo, cho rằng người nghèo là người thiếu khả năng; đánh giá không đúng người, đúng việc.

– Ba là, muốn kiểm soát, tìm hiểu phương cách giải quyết việc của người nhận giúp đỡ.

– Bốn là, lấy lại tiền trong lúc chưa xong việc.

Với bốn sai lầm trên, anh ta phải chở xác người em về chôn, chứ không phải vụ việc của em anh ta là vô phương cứu chữa. Khi ấy, anh ta mới hiểu được khả năng của Trang Sinh và sự sai lầm của anh ta. Nhưng than ôi! Trang Sinh vì trách móc kẻ hậu sinh mà hành động hẹp hòi. Dù sao thì cũng còn có Đào Chu Công hiểu việc, cớ sao Trang Sinh trách móc kẻ hậu sinh!

Đây là câu chuyện hết sức tuyệt vời về thuật dùng người. Phạm Lãi là nhân vật tiêu biểu cho một trí tuệ lịch lãm, có quan niệm hết sức biện chứng về người và việc. Ông không nuôi định kiến và không cố chấp trong việc đánh giá con người: Tốt hoặc xấu, giỏi hoặc kém là những tiêu chuẩn phải được xét trên hành động trong từng hoàn cảnh cụ thể. Có thể ở hoàn cảnh này, một người thích hợp sẽ có hành động xuất sắc nhưng ở hoàn cảnh khác không thích hợp thì người đó sẽ là kẻ bất tài, làm hỏng việc. Do vậy tùy việc mà bố trí con người. Kẻ ăn xài vong mạng, coi tiền như cỏ rác như đứa em út là kẻ thích hợp cho công việc đút lót, có thể cứu sống người anh. Còn người anh cả chi ly, tiết kiệm, quý trọng tiền bạc quá mức thì không thể làm việc ấy.

Phạm Lãi là nhà chính trị đại tài và là nhà kinh tế tài ba. Tất cả những gì ông làm đều để lại dấu ấn muôn đời. Vụ đưa hối lộ không thành của Phạm Lãi cũng để lại cho chúng ta bài học quý giá.

Nguồn: Internet