Những kiều nữ sống đời “nàng báo” trong làng báo!


Hẳn là nhiều quý anh chị đều đã ít nhất một lần nghe nói đến “nàng thơ”, “nàng văn” hay “nàng tranh”. Hôm nay, trong bài viết này, ở một góc nhỏ của làng báo, Ngự Miêu tôi xin chia sẽ về những “nàng báo” mà nếu không ở trong nghề, có lẽ chẳng mấy người biết đến…

Nhiều nhà thơ hay nói đến “nàng thơ” của riêng mình, họ có thể là một nhân vật cụ thể nào đó trong cuộc đời họ, hoặc cũng có thể chỉ là hư cấu, nhưng dù thực hay hư thì đó luôn được hiểu như là một cô gái nào đó, đem cảm hứng, đam mê bất tận cho những nhà thơ.

Đối với khái niệm “nàng văn” của một số nhà văn, hay “nàng tranh” của một số họa sĩ cũng vậy, họ như một nhân vật ngự trị trong hầu hết những tác phẩm của họ để thể hiện, truyền đạt một quan niệm, một góc nhìn về một mẫu con người nào đó (tính cách hoặc ngoại hình…).

Thế nhưng, “nàng báo” mà Ngự Miêu tôi đang muốn nhắc đến thì họ không đại diện cho các khái niệm đó hoặc tương tự như khái niệm về “nàng thơ” “nàng văn” hay “nàng tranh”. Cái chung duy nhất (nếu có) thì nàng báo cũng là một người con gái, một nhân vật đem đến cảm hứng cho người khác mà thôi. Vậy, những “nàng báo” ấy là ai, như nào? xin hãy đọc tiếp bài viết này nhé!

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Ở bài viết này, xin chia sẻ đến các bạn khái niệm mới mang tên “nàng báo”. Ở một giới hạn nào đó, họ là một phần góc khuất của nàng báo mà không nhiều người biết đến. Họ cũng có nhiều những thăng trầm của cuộc đời “nàng báo” – (Ảnh minh họa)

Tôi có cơ hội vô tình chứng kiến được khá nhiều bạn nữ suốt một chặng đường dài mà bạn ấy đi qua với nghề báo. Có thể, hành trình ấy, xuất phát từ khi còn là một cô sinh viên năm thứ 3 xin đi kiến tập, thực tập, cho đến khi cô gái ấy đã thành “một ai đó” trong làng báo. Có một số ít bạn gái ấy trưởng thành trong nghề báo theo lộ trình hoặc như một cốt truyện nghề, như này:

Giai đoạn 1, khi chỉ là một cô bé sinh viên xin đi thực tập, kiến tập hoặc là một sinh viên mới ra trường xin vào thử việc tại một tòa soạn nào đó. Hầu hết các cô gái ấy, đều giống như đa số những cô sinh viên khác, họ chỉ dám quyết tâm trong lòng và cố gắng để có được cơ hội rở thành một phóng viên chính thức. Có những cô bé thì ngày đêm lo cố gắng, trau dồi, rèn luyện kiến thúc, kỹ năng và trải nghiệm tác nghiệp thực tế. Họ thực sự muốn tìm được con đường để có thể bước chân vào nghề báo và đi lâu đi xa hơn với nghề báo. Có một phần nhỏ các cô khác, ngay từ khi còn là một cô sinh viên hoặc một phóng viên đang thử việc, họ đã tin rằng mình có thể tìm được những con đường ngắn hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Và thế là họ bắt đầu chú ý….

Giai đoạn 2, sau khi đã chú ý và “bắt sóng” được với những ông sếp “thích sử dụng” của mình, thì các cô ấy bắt đầu hành trình cho lối tắt của mình. Với một số ông sếp thích xài “của lạ”, các cô sẵn sàng biến thành “của lạ”; với một số ông sếp cần có “phương tiện” cho các cuộc giao lưu, ngoại giao hoặc tư tưởng “cống nạp” cho “quan trên” hoặc các đối tác, thì cũng không ít cô sẵn sàng trở thành “phương tiện” hoặc đồ “cống nạp”….

Bắt đầu từ giai đoạn này, gần như ngày làm việc hoặc thời gian làm việc của các cô gái là bên bàn rượu, những chuyến tụ tập, hưởng thụ, đôi khi là ở những chốn ăn chơi mà những người thu nhập thấp chẳng bao giờ biết tới… Giai đoạn này là giai đoạn họ chính thức trở thành những “nàng báo”; chỉ khác rằng họ không chỉ là phương tiện tạo ra cảm hứng, các cuộc vui cho các nhà báo, mà họ thường còn có thể là “nàng báo” của một ông chủ tịch, một anh giám đốc, một gã buôn lậu… tóm lại là bất kỳ ai nếu… có thể “đẻ” ra tiền.

Và những “nàng báo” này là có thật, sờ được bằng da bằng thịt, uống rượu cùng được, thậm chí có thể ngủ cùng được, chứ hoàn toàn không phải là hình ảnh trừu tượng mơ hồ không có thực như các nàng thơ, nàng văn, nàng tranh… trong khái niệm của giới nghệ sỹ.

Giai đoạn 3, khi đã làm tốt vai trò “phương tiện” hoặc “đồ cống nạp”, các cô này thậm chí sẽ được các sếp của họ rất ưu ái, chuyên dụng, thậm chí là phong “chức tước” cho để thường xuyên đi cùng sếp, có mặt ở nhiều những cuộc gặp gỡ, các sự kiện, các bữa tiệc…lớn nhỏ khác nhau. Và quả nhiên, nhờ đó mà “tầm quan hệ” của các cô gái này cũng nhanh chóng tăng cao, level của họ như một ví von nào đó là được “nâng đỡ không trong sáng” cứ vù vù phát triển.

Họ bắt đầu khoe với bạn bè, gia đình, người thân, trên mạng xã hội… những lần đi ăn chơi, sang chảnh, những lần được gặp gỡ người nổi tiếng, các mối quan hệ “khủng”…. Ở giai đoạn này, bạn bè, gia đình, thậm chí là các mối quan hệ xã hội cũng bắt đầu tỏ ra cảm phục “tài năng” và sự phát triển nhanh chóng của các cô gái. Sự thăng hoa của cuộc sống xa hoa, chỉ ăn chơi và các mối quan hệ cộng thêm sự tung hô của bè bạn, sự ngưỡng mộ của người khá, khiến cho các cô gái tự tin rằng họ đã và đang thực sự thành công. Họ dần quên mất kiến thúc để viết một bản tin ngắn như nào….

Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!

Có rất nhiều nữ “nhà báo” dù chỉ mới vào nghề, hoặc chỉ còn là phóng viên thực tập, nhưng họ luôn có thể khoe trên mạng xã hội, với bạn bè về cuộc sống sang chảnh, những mối quan hệ “khủng” của mình. Và rất nhiều trong số họ đang sống đời “nàng báo” – (ảnh minh họa)

Giai đoạn 4, ở giai đoạn này, một số cô gái ấy sẽ bắt đầu xui xẻo khi cái giá trị sử dụng của họ dần được thay thế bởi các cô gái khác. Nghĩa là, khi những ông sếp của họ đã không còn coi họ là của lạ, hoặc họ không còn phải là một thứ phương tiện hữu dụng để mang ra dùng trong các cuộc ăn chơi, thỏa thuận…. thì các cô gái bắt buộc phải tìm được cho mình một hướng đi mới. Nhưng, lúc này, gần như các cô ấy đã quên hoặc không muốn tìm lại những kiến thức để làm báo thực sự theo cái nghĩa thực nữa; Cuộc sống xa hoa, hưởng thụ bằng cách đánh đổi, cho đi nó cuốn hút các cô ấy hơn. Thế là họ bất đầu tự… bơi.

Dù là tự bơi, không còn quá lệ thuộc vào sếp trong cơ quan, nhưng các cô ấy vẫn có cuộc sống với nghề báo… như cũ. Nghĩa là, họ chỉ thích ăn nhậu, những chốn chơi bời, sang chảnh… và họ sẵn sàng cho đi nhiều thứ, đôi khi kể cả thân xác, những trụy lạc thâu đêm suốt sáng, miễn là họ có thể kiếm được các mối quan hệ, kiếm được nhiều tiền và quan trọng là kiếm tiền phải thật dễ dàng.

Khốn nạn cuộc đời là ở chỗ, khi màn đêm kết thúc, rời những chốn ăn chơi trụy lạc, những cuộc “mua bán” ngầm không văn bản thỏa thuận… họ vẫn xuất hiện trước đời, trước người, trong mắt gia đình, bè bạn và mạng xã hội với cái danh là một nữ nhà báo, nữ phóng viên đầy kính nể.

Ở giai đoạn 5, đời sống và nghề báo của các cô này bắt đầu có sự thay đổi. Một số cô bắt đầu nhận ra rằng nhiều thứ vốn thuộc về mình bắt đầu đã “nhàu nát”, các cô ấy cần phải tìm cách để có thể trụ lại trong nghề. Và thế là, một số cô tìm cách thuê các thế hệ đàn em đi sau viết bài, vì nếu không làm thế, họ sẽ không thể nào có nổi bài báo để “khoe” mỗi khi có ai hỏi đến. Và cũng chỉ có cách ấy thì họ mới có thời gian để bươn bải ở những mối quan hệ, những nỗ lực kiếm tiền, dù là với nghề hay không, nhưng đã bắt đầu khó khăn hơn khi họ còn… thanh xuân như xưa.

Một số cô gái khác thì họ chấp nhận vào vai “nai tơ” để chiều lòng những mối quan hệ nào đó mà họ gặp, họ cần để mong ngóng tìm kiếm được các lợi nhuận. Tôi đã biết một số người, trong nghề báo, chỉ vì muốn ký được các hợp đồng truyền thông, các cô ấy sẵn sàng “làm tất cả”…

Thường thì, khi đã đi đến giai đoạn 5 này, cuộc đời của những “nàng báo” thường đã thấm và ngấm nhiều thứ đắng mặn của cuộc đời. Tất nhiên, nhiều cô cũng có đạt được mục đích nhất định về tiền bạc, cuộc sống xa hoa sang chảnh sau những đánh đổi; nhưng cũng không ít cô, nghe có vẻ hơi quá đáng, nhưng thực có thể ví von rằng sau khi “nát một đời hoa” thì họ đúng là chẳng còn gì ngoài những vật vờ phù du tựa những “bóng ma” của làng báo.

Ở giai đoạn 6, nhiều cô muốn dừng lại hoặc bất buộc phải dừng lại vì thời gian, vì nhan sắc, tuổi tác hoặc đơn thuần chỉ là vì họ không còn cơ hội để tiếp tục trở thành “nàng báo” được nữa. Giai đoạn này, tôi thấy nhiều cô tan vỡ hạnh phúc gia đình vì chồng con họ không thể tiếp tục chịu đựng nổi người đàn bà dám “hi sinh cho đời cho người” nhiều quá mà quên mất rằng họ đã có chồng con và gia đình. Một số “nàng báo” khác thì vẫn thói quen khoe những bức hình sang chảnh, hở hang da thịt trên mạng xã hội với một cảm xúc ngạo ngễ lắm – ngựa quen đường cũ, họ thực sự không muốn một cuộc sống quá vất vả, và họ dám đánh đổi. Nhưng kỳ thực, rất nhiều nơi trong làng báo, khi nhắc đến những cô “nhà báo” này, không ít người đã buông thõng 1 câu: “ôi giời con cave làng báo ấy mà”.

Tất nhiên, cuộc chơi đỏ đen nào cũng sẽ vẫn có một người thắng cuộc, và cuộc đời những “nàng báo” này cũng sẽ hiếm hoi có những người được hiểu là thắng cuộc. Ấy là khi các cô biết dừng đúng lúc, mọi thứ đều có giới hạn hoặc là do các cô may mắn chuyển hướng sớm hoặc điều gì đó như là sự hên xui của cuộc chơi; Nhưng, trò chơi này, người thắng rất hiếm…

Nhưng, cũng đừng vội chê trách những “nàng báo” rằng họ thế này, họ thế kia. Cuộc đời thì luôn có những đắng cay riêng dành cho mỗi người, và họ – những “nàng báo” họ cũng buộc phải chấp nhận những đắng cay của riêng mình để đổi lại những hào nhoáng, xa hoa kia.

Bạn có ý kiến hoặc thảo luận gì với mình về phần đầu này không? hãy để lại bình luận bên dưới nhé!

Mình sẽ chia sẻ tiếp về chủ đề này với bạn bè trong Group Ngự – Miêu & Những người bạn ở phần sau, với tựa đề: Chua chát lắm, phận “nàng báo”  Mình sẽ sớm viết tiếp để hầu chuyện các bạn!

Tôi là NGỰ MIÊU


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.

0 Comments

Leave a Reply

XHTML: You can use these tags: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>