“Mẹ tôi chửi kẻ trộm” – Họ cứ tranh cãi, còn bài thơ thì làm giật mình những cách sống!


Trước khi bắt đầu cho bài viết của mình, tôi muốn thổ lộ ngay rằng, bài viết này tôi đặt cảm nhận, suy nghĩ và phân tích trong phạm trù và góc nhìn thuần túy của một người cảm thụ văn học thông thường; tuyệt nhiên không viết với tư cách của một người làm báo, nên sẽ không có đánh giá, quan điểm nào mang tính góc nhìn xã hội, góc nhìn của người khác.Và, bài viết cũng chỉ là để chia sẻ những cảm nhận, suy nghĩ trong khuôn khổ tác phẩm văn học, không nhằm mục đích tranh biện với bất kỳ một cá nhân, tổ chức hoặc quan điểm nào.

Bạn đang xem bài viết trong chuyên mục Reviews - các bài viết này có thể giúp cho thương hiệu, sản phẩm, doanh nghiệp hoặc thương hiệu cá nhân của bạn tiếp cận được với nhiều hơn các tệp khách hàng, đối tác tiềm năng. Nếu có nhu cầu booking bài đăng tương tự, bạn có thể liên hệ với chúng tôi.

Thú thực, lâu rồi, tôi không còn dành được nhiều thời gian để cảm nhận những bài thơ, những tác phẩm thơ được chia sẻ trên Mạng xã hội, thậm chí cả một số cuộc thi hoặc in thành sách. Lý do vì cuộc sống bận bịu đã vô tình cuốn tôi đi, để tôi buộc phải hờ hững quên đi những cái mà mình vốn đam mê, cũng đã từng mê mẩn say đắm.

Nhưng, mấy hôm nay, các cuộc tranh cãi trên mạng xã hội trở nên nóng ra về bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”; Phải nói là cũng lâu lắm rồi, bỗng nhiên một tác phẩm văn học và ở một cuộc thi thơ cũng đơn thuần không kém, lại khiến cho dự luận nổi sóng như thế. Bài thơ ” Mẹ tôi chửi kẻ trộm” dưới đây được cho là đạt giải B cùng với 1 tác phẩm khác (ở một cuộc thi không có giải A của Báo Văn nghệ tổ chức), xin chép lại để các bạn cùng đọc:

Mẹ tôi chửi kẻ trộm

“Những lần gà nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
– Cái đứa trộm gà ơi
Ta cầu mong cho ngươi
Nuôi được gà đầy đàn
Lứa này tiếp lứa khác
Có nhiều gà nhất bản
Có nhiều gà nhất mường!

Những lần lợn con nhà tôi bị mất
Mẹ tôi chửi:
– Đứa nào trộm lợn nhà tôi
Thì hãy có nhiều lợn
Đàn tiếp đàn núc ních
Lứa tiếp lứa không ngừng
Bán được nhiều tiền nhé!

Từ thuở bé đến giờ
Hễ nhà mình mất gà mất lợn
Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế
Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả
Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa.

Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường
Nhan sắc không bằng đám bạn
Khéo léo không bằng người ta
Thế mà có hẳn bốn nhà
Muốn được tôi làm con dâu của họ”

Tác giả: Tòng Văn Hân

Vì không phải đang thực hiện đề bài phân tích tác phẩm văn học theo lối phân tích quen thuộc ngày còn ngồi trên ghế nhà trường; và cũng không muốn quá dài dòng khi nói đến tác phẩm này và giá trị thực sự mà nó mang đến, nên tôi xin phép cắt giảm, bỏ qua phần giới thiệu, phân tích liên quan đến tác giả, hoàn cảnh ra đời, hoặc không gian thời gian và các yếu tố khác có liên quan đến bài thơ, sự ra đời của bài thơ hoặc việc đạt giải của bài thơ nhé các bạn. Dưới đây, là cảm nhận và suy nghĩ của tôi trong khuôn khổ việc cảm nhận giá trị văn học và ý nghĩa của bài thơ:

“Mẹ tôi chửi kẻ trộm” – Họ cứ tranh cãi, còn bài thơ thì làm giật mình những cách sống!

Tôi thấy họ tranh luận nảy lửa về chuyện này, có nhiều người, ở nhiều giới, trong đó có cả các nhà báo, nhà văn nhà thơ khác đăng status về bức ảnh bài thơ này. Khi đăng, mỗi người có cách diễn đạt khác nhau, người thì dí dỏm, người thì tỏ ra hoài nghi, có người thì cười chê một cách rất thẳng thắn. Nhưng, dù là thể hiện theo cách nào, thì có cảm giác rằng dường như (đa số họ) đang cho rằng bài thơ này… không phải thơ, và cũng chẳng thể chấp nhận được nếu nó đạt giải cao nhất của 1 cuộc thi.

Đây không phải là một bài thơ?

Cái lý do mà họ cho rằng đây không phải là thơ bởi bài thơ này không có…thơ, khi mà cách dùng từ ngữ, ngôn ngữ và nhịp điều của bài thơ nó cứ “khô không khốc” chẳng có chút vần điệu hay nhịp nào cả. Một số người khác thì họ nghiêm túc hơn và cho rằng, bài thơ gần như không có “niêm luật” nào cả, nó không theo bất kỳ một cái thể nào đẻ có thể được gọi là “thơ”.

Khi trả lời thảo luận cùng một số người bạn tôi về điều này, tôi có trình bày rằng: Còn về vấn đề, đây có phải là 1 bài thơ hay không thì nói có cũng đúng, mà không cũng đúng. Không đúng là vì nó gần như phá nát mọi khái niệm về vần mà chúng ta đã biết hoặc từng quen. Còn đúng là vì, chúng ta vẫn có 1 mớ khái niệm về thơ (nói riêng) và tác phẩm văn chương (nói chung). Kỳ thực ra, riêng tác phẩm văn chương (nói riêng) mảng văn học nghệ thuật (nói chung) mọi hình thức vốn chỉ là phương tiện, mà cái giá trị cốt lõi là thông điệp, ý nghĩa và tác động của nó với thực tế. Cuối cùng, status này, em nói là tìm người phản biện, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là chỉ mong tất cả chúng ta sẽ biết nhìn lại mình, hạn chế cảm xúc và góc nhìn cá nhân để đánh giá theo kiểu phiến diện. Có thể chúng ta đúng, có thể chúng ta sai, nhưng khi chúng ta cứ hả hê chỉ tay vào một thứ mới lạ và cho rằng “đồ kỳ quái không giống ai” thì quả thực, kể cả khi chúng ta đúng thì chúng ta vẫn sai.

Sở dĩ, tôi trả lời bạn bè như thê, bởi cá nhân mình tôi biết có giới hạn về tầm hiểu biết và các kiến thức văn học nghệ thuật. Chính vì thế, tôi cũng không dám bốc đồng, không dám mờ mắt mà tự tin cho rằng bản thân mình đã biết hết, biết đủ để có thể đánh giá người khác khi họ có một thứ “quá mới” như thế. Tôi cũng là một người đam mê văn thơ, cũng từng làm thơ, cũng hí hoáy mày mò tìm hiểu đủ thể loại từ thơ, ca, hò, vè, rồi thì thơ Bắc, thơ Nam, thơ dài chữ thơ ngắn chữ, thơ Đường, thơ mới… các kiểu. Nhưng quả thực, dù mày mò tìm hiểu nhiều như thế, tôi biết, mình vẫn chỉ là nhỏ bé trước bầu trời, thế nên tôi không bao giờ dám chỉ tay vào một thứ nào mà nói “đây không phải là thơ”. Tất nhiên, tôi và chúng ta đều có quyền nghi hoặc, để được giải thích, để được giới thiệu, để đượ tranh luận nếu chúng ta thấy sai, nhưng xin hỏi quyền nào và kiến thức nào, cơ sở nào cho phép chúng ta tự tin khẳng định rằng đó không phải là một bài thơ? Hay chúng ta đang hồ đồ, dựa vào thứ kinh nghiệm và hiểu biết có hạn của bản thân về thơ và tuyên bố như thế?

Nói thêm 1 chút, văn chương là thứ mà khiến chúng ta hay có cảm xúc sai lầm nhất khi nhìn sang thơ văn người khác, ví dụ như cảm xúc kiểu “văn mình vợ người”. Thế nên, cái mà tôi muốn nói ở đây là thay vì chỉ trỏ chê bai, chúng ta thử nên tìm xem đâu là thể lệ cuộc thi đã rồi mới đánh giá BTC. Còn đối với bài thơ kia, hãy thử mỉm cười và coi đó như 1 thứ mới để ta khám phá xem nào? Tôi không có đủ kiến thức để khẳng định đó là một bài thơ, nhưng tôi cũng dám cá rằng sẽ không nhiều người đủ kiến thức để chứng minh đó không phải là một bài thơ.

Bài thơ có xứng đáng đoạt giải hay không?

Chúng ta, một số người trong chúng ta cứ “rồ lên” như một kẻ điên dại cho rằng “không thể chấp nhận được” khi Ban tổ chức cuộc thi của Báo Văn nghệ đã trao giải cho bài thơ “không xứng đáng”. Tôi cũng không đánh giá nhiều về thái độ của họ, vì có thể họ đúng và họ có quyền phản ứng như thế. Nhưng, có một điều rất là lạ là khi tôi đi hỏi “Anh(chị) có biết thể lệ của cuộc thi ấy như nào không? có bảng điểm (nếu có) hoặc quy chuẩn của cuộc thi để xét chấm giải các tác phẩm hay không?” thì gần như chưa ai trả lời tôi là : “có”.

Ơ, vậy thì chúng ta phải xem lại, vì nguyên lý cơ bản của mọi nhẽ khi chấm điểm, khi bình chọn, khi trao giải thì cái cơ bản đầu tiên cần có, luôn có là thể lệ, là quy chế, là căn cứ để người ta chấm điểm. Vậy, nếu chúng ta không có những điều đó, thì thử hỏi chúng ta lấy cơ sở nào, quyền nào, căn cứ nào để phán quyết rằng “tác phẩm đó không xứng đáng để đạt giải?”. Hay, chúng ta chỉ nhân danh cá nhân? nhân danh những cảm nhận cá nhân, hiểu biết cá nhân mà đôi khi chính chúng ta đang ảo tưởng về nó?

Thế nên, để trả lời cho câu hỏi, bài thơ này có xứng đáng được giải B trong cuộc thi do Báo Văn nghệ tổ chức hay không, có lẽ chúng ta đều không có quyền. Trừ khi, báo Văn nghệ công bố công khai các thể lể, căn cứ để chấm giải trong cuộc thi, khi đó, có thể tôi, có thể các bạn hoặc ai đó, – những phải là những người có đủ kiến thức, cảm nhận, hiểu biết và tầm nhìn mới có quyền được phán quyết. Còn nếu không, xin hãy giữ im lặng, chúng ta không có quyền, đừng nhân danh thứ văn chương nửa mùa mà chúng ta đang có nữa, thưa chính chúng ta.

Bài thơ có giá trị văn học hay không?

Dưới góc độ của một người không giỏi về văn chương, tôi cũng không dám có kết luận nào một cách chính thức về cái gọi là giá trị văn học, ý nghĩa văn học của bài thơ trên. Nhưng, dưới sự cảm nhận đơn thuần của mình, riêng cá nhân mình tôi nhận ra mình có được bài học khá ý nghĩa và nhân văn sau khi cảm thụ bài thơ.

Vì sao ư? Này nhé!

Ngày xưa, ở làng quê (còn miền núi thì tớ không biết), hầu như tuổi thơ chúng ta đều sẽ ít nhất 1 lần chứng kiến những lần “chửi kẻ trộm”. Đó là thứ cảm giác tiếc nuối, là thứ uất ức khi mất tài sản, và cũng là sự thô thiển thật thà của người nhà quê, nên thành ra câu chửi thường rất “tệ hại” và đôi khi là “thô tục” nữa. Các câu chửi ấy thường hướng đến những “cái kết” rất tệ cho kẻ trộm.

Thực ra, khi chửi thế bà con ta chẳng mấy ai tin là sẽ lấy lại được con gà, quả trứng đã bị mất. Đơn thuần, họ chỉ giải quyết cảm xúc nhất thời mà thôi.

Trong bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân, người mẹ ấy cũng chửi. Nhưng, lạ là bà không chửi thô tục, bà không “nguyền rủa những cái kết” tệ hại cho kẻ trộm. Mà ngược lại, bà đều “chửi” những cái kết tốt đẹp sẽ đến với kẻ trộm. Trong câu chửi ấy, bà đều mong muốn rằng: “Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa”.

Ô kìa, một góc suy nghĩ rất chân tình, rất nhân văn đấy chứ? Kẻ trộm đi trộm là vì họ tham hoặc họ thiếu nên muốn ăn trộm để cho có, cho đủ hoặc lấy tiền tiêu xài. Nên, bà mẹ ấy cầu mong cho kẻ trộm sẽ trở nên đầy đủ hơn, sung túc hơn để họ không buộc phải chọn con đường trộm cắp nữa. Đó là cái lẽ đúng chứ nào có gì sai nhỉ? Mà cái hay nhất ở đây là, rõ ràng là đang “chửi” nhưng dường như đây là lần đầu tiên người ta chứng kiến một cách “chửi đẹp” đến thế.

Nhiều người cho rằng chẳng có gì là nhân văn, thậm chí họ cho rằng bà mẹ rốt cuộc cũng vẫn chỉ vì bản thân nên chửi tử tế để cho tên trộm không còn đến trộm nhà mình nữa. Ô, thế cái mong muốn trộm không trộm nhà mình nữa mà là sai à, là không chính đáng à?

Cái hay, cái trân trọng, cái tuyệt vời ở đây chính là việc bà mẹ “chửi” nhưng không chửi xấu, không trù ẻo người ta, không thô tục, không tệ hại. Mà bà ấy “chửi” một cách rất “có học”, rất nhân văn, rất lịch sự như thế. Thậm chí, theo như hoàn cảnh của bài thơ, thì đây là bà mẹ ở miền núi, một người miền núi. Vậy sao lại phủ nhận cái đáng trân trọng trong cách sống của người mẹ ấy?

Ở một giới hạn nào đó, cá nhân tôi cho rằng, bài thơ đã “làm giật mình những cách sống” – và đó cũng chính là ý nghĩa nhân văn, giá trị văn học mà bài thơ này đã đạt được. Nó như một cú “vả” vào cái thói quen “dân dã” của chúng ta trong mỗi lần muốn “chửi”. Bài thơ như một thông điệp về nét văn hóa trong cuộc sống, cụ thể là việc thể hiện cảm xúc và truyền đi thông điệp với chính những kẻ vừa làm hại ta (ăn trộm của nhà mình). Hãy nhân văn, hãy nói chuyện với nhau bằng thái độ và những ngôn từ có văn hóa nhất, và quan trọng là thay vì mong những điều tồi tệ đến với người khác, chúng ta hãy học cách bao dung và mong cho họ luôn tốt lành và đạt được những thành quả tốt trong cuộc sống, để họ không bị dồn vào thế cùng đường mà làm những điều sai trái. Vậy xin hỏi, bài thơ này có nhân văn hay không?

Ngoài lề một chút, liên quan đến những gì mà chúng ta đang “lên đồng” chỉ trích, phán xét và tự cho mình cái quyền là người “giỏi”, thì chính bài thơ cũng như một lần khiến chúng ta “giật mình những cách sống”. Có lẽ, sau câu chuyện lần này, chỉ một vài ngày nữa thôi, câu chuyện sẽ lắng xuống, người ta sẽ thôi tranh cãi và mọi thứ có thể đi vào quên lãng; Nhưng ít nhất, đây là lần mà bài thơ sẽ góp phần giúp nhiều người trong chúng ta “giật mình những cách sống” phiến diện, quan cách, và cho mình có quyền kết luận mọi thứ dưới tầm suy nghĩ nhỏ nhen của chính mình.

► Nhớ theo dõi Fanpage và tham gia vào Group để cùng Ngự Miêu tôi trò chuyện và chia sẻ cuộc sống mỗi ngày nhé, các bạn. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này, chúc các bạn Online vui vẻ!

Tôi là NGỰ MIÊU


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.

0 Comments

Leave a Reply

XHTML: You can use these tags: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>