Một số vấn đề cần lưu ý về pháp lý khi xem xét tiếp nhận quyền đại diện của người đại diện thực hiện việc khiếu nại
Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại là một trong những chế định quan trọng được quy định trong Luật Khiếu nại, trong đó, người khiếu nại có quyền được người khác đại diện hợp pháp cho mình để thực hiện việc khiếu nại.
Bạn có thể theo dõi nhiều nội dung tương tự hơn trên Tiktok Nhà báo Ngự Miêu – Tiktok Nhà báo Xuân Thời hoặc kênh Youtube khủng hoảng truyền thông.
Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé! |
Vì vậy, khi người đại diện tham gia quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì những nội dung và chứng cứ người đại diện cung cấp là cơ sở pháp lý quyết định đến nội dung giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của người khiếu nại.
Do đó, việc xem xét ban đầu tính pháp lý của hồ sơ về tư cách đại diện là khâu rất quan trọng để người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chấp nhận đúng tư cách hợp pháp của người đại diện.
Theo Điểm a, b, Khoản 1 Điều 12 Luật Khiếu nại quy định:
Người khiếu nại có các quyền “Tự mình khiếu nại, trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu,có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại. Nhờ luật sư tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho luật sư khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Trường hợp người khiếu nại là người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật thì được nhờ trợ giúp viên pháp lý tư vấn về pháp luật hoặc ủy quyền cho trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình;”
Pháp luật khiếu nại hiện hành không có nội dung quy định về hồ sơ và thủ tục pháp lý xác định tư cách hợp pháp của người đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Tuy nhiên, pháp luật về dân sự có quy định rất cụ thể nên đây là căn cứ để xem xét xác định tính hợp pháp và hiệu lực của việc đại diện nêu trên.
Thực tiễn thời gian qua, quá trình giải quyết khiếu nại, nhiều địa phương và sở, ngành còn lúng túng trong cách hiểu và áp dụng pháp luật để kiểm tra, rà soát các điều kiện cần và đủ trong vấn đề đại diện nhằm chấp nhận đúng tư cách và nội dung đại diện của người khiếu nại; thậm chí một số trường hợp hiệu lực của việc đại diện đã hết hoặc nội dung đại diện theo ủy quyền còn chung chung, không cụ thể nhưng người giải quyết khiếu nại lại không chú ý kiểm tra làm rõ nên dẫn đến việc lập hồ sơ và ban hành văn bản giải quyết không đúng đối tượng, không đảm bảo tính chính xác về ý chí và yêu cầu của người khiếu nại.
Ví dụ như có những trường hợp: Ủy quyền đại diện tham gia việc khiếu nại liên quan đến yêu cầu nâng giá bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhưng nội dung tiếp nhận giải quyết thì người được ủy quyền lại có thêm yêu cầu khiếu nại về việc thu hồi thiếu diện tích đất;
Hoặc có trường hợp giấy ủy quyền ghi ủy quyền cho bà A để yêu cầu UBND huyện B thi hành quyết định theo bản án của Tòa án nhân dân xét xử và yêu cầu bồi thường hỗ trợ tái định cư theo Bản án C, nhưng sau đó, giấy ủy quyền này lại được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận cho người được ủy quyền làm đơn khiếu nại quyết định giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của UBND huyện B; hoặc có vụ việc người ủy quyền đã chết nhưng giấy ủy quyền trước đó của người này do cơ quan giải quyết khiếu nại thiếu kiểm tra nên vẫn tiếp tục được chấp nhận để cho người được ủy quyền tham gia quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại (mà lẽ ra là phải yêu cầu bên khiếu nại thiết lập lại việc đại diện ủy quyền mới vì theo Luật dân sự việc ủy quyền chấm dứt khi người ủy quyền chết); hay khi người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự đang có người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại thì khi nào người khiếu nại đã thành niên và đủ năng lực hành vi dân sự (đủ 18 tuổi) hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục thì việc đại diện đó sẽ bị chấm dứt theo pháp luật dân sự..v..v.
Để thuận lợi cho việc nghiên cứu, kiểm tra, đối chiếu các quy định của pháp luật trong việc xét chấp nhận đúng tư cách và nội dung việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại thông qua người đại diện, chúng ta cần nắm rõ một số quy định của Bộ Luật dân sự 2015 về vấn đề đại diện để tổ chức, cá nhân có liên quan nghiên cứu làm cơ sở cho việc thực hiện.
Bộ Luật dân sự 2015 quy định có hai loại đại diện đó là:
Đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền. Đồng thời, còn quy định về thời hạn đại diện, phạm vi đại diện, hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập hoặc thực hiện vượt quá phạm vi đại diện.
Vấn đề cần lưu ý thêm nữa là tại Điều 142 và 143 của Bộ Luật dân sự nhấn mạnh: Hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện hoặc thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì các giao dịch này không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện trừ một trong các trường hợp theo quy định tại các Điều này.
Theo đó, nếu các nội dung làm cơ sở kết luận việc giải quyết khiếu nại xuất phát từ việc xác lập hoặc thực hiện không đúng về quy định của nội dung, đối tượng đại diện thì kết quả giải quyết đó không đảm bảo tính hợp pháp.
Trên đây là những nội dung cần nghiên cứu thêm đối với các quy định pháp luật có liên quan, để qua đó, người tiếp công dân, xử lý đơn, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cần chú ý làm căn cứ để kiểm tra, rà soát, hướng dẫn cá nhân, tổ chức làm đúng khi thực hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện, góp phần đảm bảo không làm phát sinh hậu quả pháp lý do việc thực hiện quyền đại diện không đúng quy định./.
Nguồn: Internet