Tết đến xuân về, lại tranh cãi tiếp chuyện bên nội bên ngoại cho mà xem?


Tết đến xuân về, trăm thứ phải lo, nghìn thứ phải chuẩn bị. Nhưng hình như không ít những cặp vợ chồng vẫn muốn (hoặc buộc phải) dành thời gian để tranh cãi tiếp chuyện bên nội bên ngoại cho mà xem. Và có lẽ, bạn và tôi, chúng ta, dù đã có hay chưa lập gia đình, cũng nên một lần để đọc và cùng Ngự Miêu tôi suy ngẫm về chuyện này.

Con nào mà chẳng là con, trai hay gái, dâu hay rể thì cũng đều là con. Rồi thì, bên nội hay bên ngoại, đều công bằng, hai nhà như một chứ… Đó là những câu mà dường như chúng ta vẫn hay nói được nhưng không phải lúc nào cũng làm được. Cuộc sống thường ngày đã thế, dịp tết đến xuân về như này, có lẽ cũng là dịp khiến nhiều cặp vợ chồng xảy ra xung đột nhiều hơn về vấn đề bên nội bên ngoại. Ai cũng cho mình đúng, và ở riêng mỗi câu chuyện thì nhất định sẽ có người đúng và người sai. Nhưng sự thật là, dường như tất cả chúng ta đều sai, sai vì ích kỷ bản thân. Vợ ích kỷ đằng vợ, chồng ích kỷ đằng chồng.

Biếu tiền tết bố mẹ bên nội bên ngoại thì nên biếu bên nào nhiều hơn?

Đây là một trong những xung đột thường xảy ra nhất đối với nhiều cặp vợ chồng đã ra ở riêng hoặc là xa nhà. Khi họ bàn với nhau về chuyện sẽ biếu tiền tết bố mẹ bên nội bên ngoại, thì là khi họ hay có tranh luận với nhau. Ví dụ thế này:

Người vợ thì nói: Bố mẹ nuôi em hơn 2 chục năm trời, em chả báo hiếu được gì, giờ về làm dâu nhà người khác, làm vợ của anh, chăm lo gia đình anh. Bố mẹ em thiệt thòi nhiều rồi, có cái tết không biếu bố mẹ được hơn hay sao? anh keo kiệt thế, anh ích kỷ thế?

Người chồng thì thường hay lý luận thế này: ông bà ngoại thì cũng còn các bác, các cậu lo cho nữa (nhất là nhà vợ mà có con trai); ông bà nội ở nhà cũng có cái gì đâu. Cũng nuôi anh lớn, giờ anh không báo hiếu được, lại đi báo hiệu bên ngoại nhiều hơn thì còn ra thể thống gì?

Các bạn thấy đấy, thực ra, từ hai ví dụ lý luận trên thì có thể thấy, cái lý của ai cũng đúng cả, điều nào cũng là nên làm cả. Mà sai thì ai cũng sai, người còn lại đã nói đến cái sai của họ rồi đấy thôi. 

Về nội ăn tết hay về ngoại ăn tết?

Đây cũng là một trong những vấn đề căng thẳng không kém của nhiều cặp vợ chồng ngày nay. Khi người vợ quyết định năm nay cả nhà sẽ về ngoại ăn tết, cô ấy thường nói:

– Cả năm cả đời em là người nhà nội rồi, đi về nhà nội cũng thường xuyên chứ về ngoại được mấy khi? Chả nhẽ có cái tết, muốn được về với bố với mẹ mà anh cũng không cho à? Sao anh ích kỷ thế?

Còn người chồng, nhiều ông cũng cương quyết không kém, nói:

– Nhà mình cả năm mới về thăm ông bà có một vài lần, tết nhất thì con cái cháu chắt phải về xum họp chứ. Ai lại rồng rắn kéo nhau đi ăn tết quê ngoại, để bà con hàng xóm họ cười cho à?

Đấy, lại thêm lần nữa, cả 2 cái lý nghe cũng thấy…xuôi xuôi tai. Vậy nguyên nhân từ đâu và nên nghĩ như nào, làm thế nào cho đúng? Ngự Miêu sẽ chia sẻ cùng các bạn ý kiến của cá nhân ở cuối bài này nhé!

Mồng 1 tết ở nhà nội hay nhà ngoại?

Vấn đề này thì có vẻ xuất hiện không thường xuyên hơn, nhưng cũng là câu chuyện khiến cho nhiều cặp vợ chồng bỗng dưng “mất tết” cũng bởi chuyện này.

Sự cố này hay xuất hiện ở những cặp vợ chồng về quê ăn tết (hoặc ở quê) nhưng có bên nội khá đông người và nhiều thủ tục lễ lạt đầu năm; hoặc là một số ông chồng ưa vui, thích ngồi la cà chơi bời ngày tết. Trong một số hoàn cảnh, người chồng thường không đồng ý sang tết bố mẹ vợ hôm mùng 1 tết, với cái lý sau:

– Các cụ dạy rồi, mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy. Nghĩa là mùng 1 tết nhà nội, mùng 2 về nhà ngoại, mùng 3 mới đi tết các mối quan hệ khác. Hôm nay mùng 1 cứ ở trọn vẹn nhà nội đã…

Còn các cô vợ thì hay phàn nàn rằng:

– Tết giờ chỉ có mỗi mùng 1 là còn không khí, mình là con thì mùng 1 nên về tết ông bà tổ tiên cho phải đạo.

Đọc đến đây thì thấy có vẻ cái lý của cô vợ dường như là đúng hơn. Thế nhưng, cái “lý sự cùn” của ông chồng cũng không hoàn toàn là “trái tai”. Bởi nhiều vùng miền, nhiều gia đình có tư duy truyền thống riêng và họ cũng tin rằng cái nếp nội, ngoại đều cần có giá trị xác định sao cho rõ và đúng. Cũng như ông bà ta hay nói: con gái là con người ta, con dâu đích thực mẹ cha mua về – ý là đẻ con gái ra nhưng rồi sẽ đi theo chồng, chăm lo cho nhà chồng, còn con dâu về nhà mình rồi thì sẽ có trách nhiệm vun vén cho nhà mình trước tiên chứ không phải nhà mẹ đẻ. Nhưng điều đó không có nghĩa là con dâu không được phép về nhà ngoại lo việc và con gái mình cũng không được phép về lo toan cho mình. Vậy đâu là vấn đề đúng?

Điều cần suy nghĩ là gì?

Như ngay từ đầu tôi đã nói, thực ra trong những câu chuyện như này chúng ta ai cũng đúng và ai cũng sai. Cái lý đúng của ông chồng cũng là cái lý mà người vợ phải nghĩ; ngược lại, cái mà bà vợ trách móc thì cũng là điều mà người chồng cần phải xem lại chính mình.

Hoặc như, mỗi gia đình riêng, mỗi câu chuyện riêng sẽ khác nhau bởi nó còn phụ thuộc vào tính cách, đạo đức, tâm lý của người vợ người chồng; phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của họ hay như khoảng cách địa lý giữa bên nội, bên ngoại… Nói chung, sẽ khó có khái niệm nào là đúng hoàn toàn. Cái mà cần đúng và sẽ chắc chắn đúng ở đây, trong câu chuyện bên nội bên ngoại như này, có lẽ là ở quan điểm sống của mỗi người.

Các bạn của Ngự Miêu thân mến!

Tôi muốn viết bài này không phải để mình tôi truyền đi thông điệp, mà tôi mong rằng đề tài này sẽ là đề tài mở để mỗi chúng ta, tôi và bạn (dù là vai người vợ hay vai người chồng) được một lần nữa nói cho nhau nghe và cùng nhau thấu hiểu. Bởi vậy, phần kết cho bài viết này sẽ để cho chính các bạn đọc và bình luận, đưa ra suy nghĩ riêng của bản thân nhé!

Hãy chia sẻ với Ngự Miêu về suy nghĩ, góc nhìn hoặc lời khuyên của bạn qua câu chuyện này ở đây nhé! Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tết rồi, chung tay lan tỏa những thông điệp tốt lành vì một cái tết hạnh phúc và xum vầy của tất cả những gia đình nhé, các bạn!

Các bạn có thể vào đây để bình luận và mình xin phép được update những ý kiến bình luận trên facebook, trong Group Ngự Miêu & Những người bạn của các bạn vào bài viết này nha.

Vấn đề cũng rắc rối quá rồi. Chắc phải tùy cơ ứng biến thôi anh à. Giờ em chẳng thấy phương án nào hài lòng được cả.
Nhất cự li a ơi, nhà e bên ngoại gần hơn nên cứ ngoại mà tới trước, xong mới tới nội . Đỡ phải cãi nhau ?
Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!
Em thấy mình khá may mắn khi ba mẹ em không hề tranh cãi về vấn đề tết bên nội tết bên ngoại. Vì ba em chẳng bao giờ nhúng tay vào chuyện đó. Em vui ở chỗ nữa là mẹ em không phân biệt mẹ chồng hay mẹ đẻ. Nhưng em lại thấy buồn vì ít ra người ta còn chính kiến, còn tranh cãi, này ba em bỏ xó chẳng quan tâm
Đội vợ lên đầu là trường sinh bất tử luôn a ?
Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!
Lúc trước ngoại em còn, ba ít ra còn hỏi thăm mẹ em khi nào về thăm ngoại với mấy dì, còn từ khi ngoại mất cả nhà nội ba em cũng ít về. Haizz
Tết là ngày hạnh phúc đúng nghĩa nguyên thủy, thêm phần chưa nghiên cứu sâu của em là: được ở cùng với người thân, vui vẻ, ăn, ngủ, chơi không phải suy nghĩ ( ghét thể loại tết mà làm chén đi, thêm chén đi đm, không uống thì bảo không quý nhau, uống rồi về csgt, vấn đề an toàn giao thông ai chịu), cơ bản là công trình nghiên cứu còn phải dài dài qua vài ba cái tết nữa ?
Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!
 ?
Đừng quên nhấn nút theo dõi - follow kênh tiktok NHÀ BÁO NGỰ MIÊU - chia sẻ về khủng hoảng truyền thông  để không bỏ lỡ những video hữu ích nhé!
Em thấy bên nội hay bên ngoại cũng đều là bố mẹ sinh ra. Vì vậy, theo em dù bên nội hay bên ngoại đều có sự công bằng k phân biệt bên nào hơn bên nào.
Bố mẹ nào cũng là bố mẹ vì vậy đều có trách nhiệm như nhau k thể phân biệt bố mẹ a, bố mẹ em.
Còn vấn đề Tết là những ngày ý nghĩa để quay quần bên gia đình, thăm hỏi mọi người . Một năm có 365 ngày sẽ có rất nhiều ngày nhậu chén nọ chén kia thì ngày Tết k cần phải uống.
Về Tết bên nội hay bên ngoại: bên nào cũng là gia đình ăn tết nội xong về bên ngoại. Hoặc bên nội hay ngoại gần hơn thì ăn tết trước.
Là vợ chồng mỗi người suy nghĩ cho nhau một chút đừng vì sự ích kỉ cái tôi của mình mà để mất đi cái Tết không vui.

 

Tôi là  Ngự Miêu


Copyright © Bài viết này có bản quyền tác giả, vui lòng ghi rõ nguồn tác giả Nhà báo Ngự Miêu hoặc www.toilangumieu.com khi bạn sử dụng, đăng tải, dẫn nguồn lại bài viết này. Trân trọng cảm ơn! - Chi tiết vui lòng liên hệ: nhabaongumieu@gmail.com - Theo dõi nhà báo Ngự Miêu trên nền tảng tiktok hoặc kênh youtube.

0 Comments

Leave a Reply

XHTML: You can use these tags: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>